Từ ngày 8 – 9/8, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ tại Hà Nội tổ chức Hội nghị giới thiệu Khung tiếp cận an toàn cho cán bộ cốt cán Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; về phía Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ có bà Catherine Marie Martin – Điều phối viên Khu vực về Hợp tác quốc tế Văn phòng Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ tại Kuala Lumpur – Malayxia và ông Armon Cheringchawano, cán bộ Hợp tác quốc tế - Văn phòng Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ tại Bangkok – Thái Lan.
Toàn cảnh Hội nghị
Hỗ trợ Khung tiếp cận an toàn hơn với mục đích tăng cường sự tiếp nhận, an ninh và tiếp cận đến người dân, đến cộng đồng cần trợ giúp bằng việc cung cấp các dịch vụ nhân đạo hiệu quả và phù hợp; tuân thủ theo đúng các nguyên tắc căn bản, các chính sách và thực tiễn di chuyển.
Khung tiếp cận an toàn có từ hơn 10 năm nay trong Hội Chữ thập đỏ các quốc gia, từng được áp dụng ở rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có châu Á. Khung tiếp cận an toàn được áp dụng trong tất cả các tình huống; đặc biệt là trong những tình huống nhạy cảm và không an toàn (bao gồm cả xung đột vũ trang, rối loạn và căng thẳng nội bộ). Giới thiệu Khung tiếp cận an toàn để giúp cán bộ Hội nắm rõ các khoảng cách, rào cản, rủi ro và thách thức ảnh hưởng tới sự chấp nhận, an ninh và tiếp cận của Hội Chữ thập đỏ các cấp, đến người dân và cộng đồng cần hỗ trợ.
Hội nghị chia thành từng nhóm thảo luận
Ngoài sử dụng 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Khung tiếp cận an toàn còn thực hiện 8 yếu tố đó là: Đánh giá bối cảnh và rủi ro; Cơ sở pháp lý và chính sách; Sự chấp nhận của tổ chức; Chấp nhận của cá nhân; Nhận diện; Truyền thông và điều phối nội bộ; Truyền thông và điều phối bên ngoài; Quản lý rủi ro an ninh cho các hoạt động.
Tại Hội nghị, bà Catherine Marie Martin – Điều phối viên Khu vực về Hợp tác quốc tế Văn phòng Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ chia sẻ rất nhiều kinh nghiệp ứng dụng thực tế của Khung tiếp cận an toàn tại các nước như: Thái Lan, Malayxia, Mianma, Philippin, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Inđonexia, Srilanca… bảo đảm an toàn cho cán bộ Hội, tình nguyện viên chữ thập đỏ và cộng đồng.
Cán bộ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chia thành từng tổ, phân tích, đánh giá, tìm ra những rủi ro khi thực hiện các nhiệm vụ của Hội như: Chăm sóc sức khỏe ban đầu; Phòng ngừa thảm họa; Rà phá bom mìn, tìm kiếm thân nhân thất lạc trong chiến tranh… Học viên còn được thực hành các bài tập với 12 giả định, đưa ra hướng giải quyết và cùng đánh giá khi ứng dụng Khung tiếp cận an toàn. Hội nghị đã giúp cán bộ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nâng cao năng lực công tác, có khả năng xử lý các sự việc thông qua lăng kính tiếp cận an toàn. Đây là nền tảng học tập, chia sẻ kinh nghiệm và không chỉ là đào tạo mà tiếp cận an toàn hơn đòi hỏi sự chọn lựa hành động đúng và có biện pháp xử lý vụ việc cụ thể.
Phổ Thế