Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 – 23/11/2019), Ban biên tập có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp – C...
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 – 23/11/2019), Ban biên tập có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp – C...
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 – 23/11/2019), Ban biên tập có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh về truyền thống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các hoạt động của Hội chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi.
Đồng chí có thể cho biết ý nghĩa của ngày thành lập hội chữ thập đỏ Việt Nam?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát biểu trong một hoạt động nhân đạo
Cách đây 73 năm - ngày 23/11/1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập.
Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời. Đây chính là mốc son đánh dấu sự ra đời của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - một tổ chức chuyên trách làm công tác nhân đạo của nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.
Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam mà không phải tổ chức nào cũng có được.
73 năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, sẵn sàng có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn nhất, sát cánh cùng những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.
Phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam của các cấp hội ngày càng lan tỏa và tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng. Đồng chí có thể nói rõ hơn về phong trào này?
Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động triển khai đến nay đã 20 năm. Với những kết quả thiết thực mang lại, phong trào đã trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội, được nhân dân ủng hộ, được cấp ủy và chính quyền ghi nhận và đánh giá cao.
Trong những năm qua, phong trào đã được các cấp Hội chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng, lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Trên cơ sở kế hoạch được xây dựng, tỉnh Hội đã giao chỉ tiêu cụ thể về số lượng đối tượng cần trợ giúp cho các huyện, thành Hội triển khai thực hiện. Từ đó, các huyện, thành Hội đã phát động phong trào, gửi thư vận động ủng hộ phong trào đến cơ quan, đơn vị, các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh tham gia hưởng ứng.
Nhiều huyện, thành Hội đã gửi thư ngỏ, vận động trực tiếp các doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo để vận động ủng hộ phong trào; vận động các hội viên, tình nguyện viên, nhân dân tham gia; phối hợp tổ chức các chương trình văn nghệ để gây quỹ; đặt thùng quỹ nhân đạo, vận động tổ chức hội ở nơi có điều kiện thuận lợi hơn giúp đỡ các địa bàn có hoàn cảnh khó khăn... Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ phong trào, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ và các tầng lớp nhân dân cùng chăm lo cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam trong dịp Tết Nguyên đán. Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc các cơ sở khảo sát, lập danh sách địa chỉ trao quà tết và dự kiến mức trợ giúp để vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia trợ giúp... Với sự nỗ lực cố gắng của toàn Hội và sự tích cực tham gia đóng góp của các cá nhân, tổ chức, phong trào trong Tết vì người nghèo năm 2019 đã hỗ trợ cho 58.363 hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng.
Đồng chí có thể cho biết kết quả đạt được trong Cuộc vận động “Mỗi tổ chức gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội chữ thập đỏ tỉnh?
Trong những năm qua, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong mọi hoạt động của các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động “Mỗi tổ chức mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đối với toàn bộ các hoạt động nhân đạo của Hội, đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ Hội Chữ thập đỏ tổ chức thực hiện cuộc vận động. Đồng thời tỉnh Hội đã hướng dẫn các cấp Hội triển khai cuộc vận động với những biện pháp, cách làm thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tổ chức phát động ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị Hội cơ sở, định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm. Nội dung tiêu chí cuộc vận động được quán triệt, lồng ghép vào trong các hoạt động nhân đạo của Hội như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật”.Trong năm 2019, trong toàn tỉnh đã vận động trợ giúp được 8.436 người với tổng kinh phí 3.372.000.000 đồng;
Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" là cuộc vận động mang tính lâu dài, xuyên suốt trong quá trình thực hiện các hoạt động xã hội nhân đạo, đã được đông đảo cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ hưởng ứng và tham gia tích cực; thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, đoàn thể và nhân dân tạo ra phong trào tương thân tương ái rộng lớn, chăm lo cho người nghèo. Thông qua phong trào đã giúp cho các cấp Hội đẩy mạnh xây dựng các mô hình nhân đạo phù hợp với đối tượng ở từng địa phương, cơ sở góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Năm 2019 các hoạt động của công tác Hội đạt được kết quả tốt đẹp, đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật của Hội Chữ thập đỏ tỉnh trongnawm qua?
Trong năm 2019, đã có nhiều hoạt động với kết quả nổi bật như: Tặng quà cho50.363 hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam với tổng kinh phí hơn 19,792 tỷ đồng; Triển khai xây dựng 21 ngôi nhà chữ thập đỏ với kinh phí 860 triệu đồng; Vận động 14.030 người hiến máu, đạt 127,5%, trong đó có 939 lượt hiến đơn vị tiểu cầu; Tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 3500 người dân ở xã huyện Miền núi và khám sàng lọc và tư vấn tim mạnh cho 1.300 người dân; Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ như: Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, Hội chữ thập đỏ Mỹ, tổ chức Renew để triển khai các hoạt động tập huấn, truyền thông về phòng chống thiên tai, phòng chống đuối nước, các hoạt động truyền thông về bom mìn cho học sinh và người dân. Triển khai xây dựng 3 bể bơi cho trẻ em. Với tổng kinh phí các hoạt động hơn 3 tỷ đồng
Để xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, theo ông trong thời gian tới, các cấp hội phải làm gì?
Thứ nhất: Chúng tôi tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, về tôn chỉ, mục đích và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội chữ thập đỏ.
Chú trọng công tác phát triển, nêu gương và tôn vinh các điển hình tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có công lao đóng góp cho hoạt động của Hội và phong trào nhân đạo. Tăng cường đào tạo, huấn luyện cho cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ có trình độ, năng lực và kỹ năng hoạt động.
Thứ hai:Tập trung hỗ trợ các cơ sở Hội còn yếu. Tăng cường phát triển tổ chức Hội ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…Tăng cường phát triển hội viên, tình nguyện CTĐ. Đối với cấp tỉnh sẽ sổ chức sắp xếp lại bộ máy hoạt động của Hội chữ thập đỏ tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả các chương trình hợp tác với các tổ chức phi chính phủ.
Thứ ba: Tiếp tục củng cố và phát huy vai trò xung kích của lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ, thành lập và định hướng hoạt động các đội tình nguyện chữ thập đỏ.
Thứ tư: Chú trọng tính kịp thời của hoạt động cứu trợ khẩn cấp, đồng thời tăng cường hoạt động cứu trợ thường xuyên, cứu trợ phát triển như: Làm nhà chữ thập đỏ, hỗ trợ vốn sản xuất - kinh doanh, cấp học bổng cho học sinh nghèo, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khoẻ…
Thứ năm: Tiếp tục phát triển phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân CĐDC", "Tháng hành động vì người nghèo, khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam", cũng như cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.Quan tâm chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng gia đình chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, người ốm đau, bệnh tật, gặp thiên tai hoạn nạn, người khuyết tật nghèo, người già cả cô đơn, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhở, đồng bào dân tộc, miền núi. Phát triển các mô hình “bếp ăn tình thường, nồi cháo tình thương” tại bệnh viện.
Thứ sáu: Nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai tại các địa phương để kịp thời ứng phó hiệu quả khi có tình huống xảy ra.Thường xuyên huấn luyện về kỹ năng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu. Kiện toàn, củng cố các tổ, đội CTĐ xung kích có chất lượng, hoạt động thường xuyên, kịp thời và hiệu quả.
Thứ bảy: Tiếp tục, phát triển các hoạt động phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Thường xuyên tập huấn, nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ cho lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ.
Thứ tám: Tiếp tục tổ chức sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện. Phối hợp xây dựng lực lượng hiến máu thường xuyên ở cơ sở, xây dựng và nhân rộng các câu lạc bộ hiến máu dự bị, ngân hàng máu sống.
Thứ chín: Tăng cường xây dựng quỹ Nhân đạo và phòng chống thiên tai ở các cấp với hình thức phong phú, linh hoạt.
Thứ mười: Nâng cao năng lực tổ chức hội, phối hợp tổ chức các hoạt động hiệu quả các lĩnh vực hoạt động của Hội với các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh và nước ngoài.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Ban biên tập Tuyên truyền