Nhận được tin nhắn từ anh Nguyễn Mạc Hà – con trai của Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, tôi vội vã đến ngay nhưng không kịp gặp Giáo sư lần cuối…
Thế là đành phải chia xa, Giáo sư đã về cõi vĩnh hằng! Trong tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động, nhớ thương về Người thầy mẫu mực, Nhà khoa học với nhiều đóng góp xuất sắc trong nền y học của nước nhà, một Nhân sĩ trí thức đáng kính, một Lãnh đạo Hội hết lòng vì sự nghiệp nhân đạo cao cả, vì hạnh phúc của những người khó khăn, bất hạnh.
Trong quá trình công tác, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được Đảng, Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: Viện trưởng Viện Mắt Trung ương; Bộ trưởng Bộ Y tế; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch hội Nhãn khoa Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam. Giáo sư tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI,VII; là Đại biểu Quốc hội khóa IX, X; danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985); danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (năm 1989);…
Với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội trong 17 năm liền, từ năm 1987-2003. Tôi có vinh dự được gắn bó và làm việc với ông hơn 10 năm ở Hội, được đi công tác nhiều lần cùng Giáo sư đến các địa phương trong cả nước, tháp tùng Giáo sư trong những buổi báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm việc với các Bộ, ngành Trung ương,…Vì thế mà tôi có nhiều kỷ niệm với Giáo sư và được nghe Giáo sư tâm sự nhiều về công tác và cuộc sống.
Nhớ về Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân là nhớ về hình ảnh một người lãnh đạo hết lòng tận tụy với công việc chung, dám nghĩ, dám làm, không bao giờ lùi bước trước gian nan, thử thách, lúc nào cũng tâm niệm cố gắng làm những gì tốt nhất cho Hội, cho đời sống của nhân dân, nhất là những người bất hạnh. Chính vì vậy mà dấu ấn của Giáo sư luôn đậm nét trong những thành công, sự kiện quan trọng và hành trình của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Mười bảy năm làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, đó là giai đoạn có rất nhiều khó khăn, thách thức và cũng là giai đoạn có nhiều bước phát triển vượt bậc cả về tổ chức và hoạt động cũng như quan hệ đối nội, đối ngoại của Hội.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mới chỉ có ở cấp Trung ương (Cơ quan Hội lúc đó có hơn 10 người, chủ yếu làm công tác tiếp nhận và phân phối viện trợ) và một số Tỉnh hội, thành Hội, phần nhiều là ở phía Nam. Trước tình hình đó, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Bác sỹ Lê Công Tâm (Phó Chủ tịch Hội) cùng tập thể lãnh đạo Hội đã đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 07/9/1987 về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Theo đó, Hội được tổ chức ở 4 cấp như Đoàn thể chính trị – xã hội, Ban Bí thư xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát triển toàn diện, làm nòng cốt trong hoạt động nhân đạo của đất nước. Chỉ thị đã thổi một luồng gió mới đầy sinh khí cho công tác tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ.
GS. Nguyễn Trọng Nhân tháp tùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng quà Tết người nghèo huyện Sóc Sơn, Hà Nội
Sau khi Chỉ thị được ban hành, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân cùng lãnh đạo Hội đã dành nhiều tâm sức, trí tuệ để củng cố, phát triển tổ chức Hội. Nhiều chuyến đi địa phương để bàn với cấp ủy lập tổ chức Hội, tháo gỡ khó khăn về nhân sự, tổ chức…. Nhờ đó sau 5 năm, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát triển ở 100% tỉnh, thành, quận, huyện và hơn 80% xã, phường, thị trấn với trên 1 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ. Ở cơ quan Trung ương Hội, đã tổ chức được các ban, đơn vị chuyên môn và các cơ quan truyền thông của Hội lần lượt được thành lập, như: Truyền hình Nhân đạo, Tạp chí Nhân đạo, Báo Nhân đạo và Đời sống. Thời điểm đó, Hiệp Hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Uỷ ban Quốc tế Chữ thập đỏ và một số Hội quốc gia ở châu Âu đã có đại diện tại Việt Nam để hỗ trợ trực tiếp cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Từ thực tiễn phong trào Chữ thập đỏ và tình hình đời sống, sức khỏe của nhân dân, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân là người khởi xướng và phát động nhiều phong trào, nhiều việc làm có ý nghĩa trong hoạt động nhân đạo của đất nước. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân đã khởi xướng Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” từ năm 1998 tại Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh và chỉ đạo nhân rộng trong toàn quốc, đến nay phong trào đã phát triển sâu rộng với hiệu quả ngày càng thiết thực. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân cùng các đồng nghiệp như Giáo sư Lê Cao Đài, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Toản, Giáo sư Phan Thị Phi Phi… dành nhiều tâm sức để đề xuất với Đảng và Nhà nước lập Quỹ Bảo trợ Nạn nhân Chất độc Da cam thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Nạn nhân Chất độc Da cam để chăm lo cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam – những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Đặc biệt, trong việc tháo gỡ khó khăn về phụ cấp cơ sở của hội viên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân đã dành gần 10 năm để vận động, thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết chế độ cho cán bộ Hội ở cơ sở. Tôi nhớ, có lần Giáo sư đã ứa nước mắt khi phát biểu: “Cán bộ Hội cơ sở họ rất khó khăn, vất vả nhưng luôn hết lòng vì công việc của Hội. Tôi rất cảm động về họ, thế nhưng suốt gần 10 năm Hội đề nghị rất tha thiết, rất nhiều lần nhưng chưa được chấp nhận. Việc này tôi đề nghị không phải cho tôi, cho gia đình tôi mà vì những người đang hết lòng vì sự nghiệp nhân đạo, vì những người bất hạnh. Nếu các đồng chí còn tin tôi để cho tôi làm Chủ tịch Hội thì giải quyết, nếu không thì cho tôi nghỉ vì tôi không giữ được lời hứa với cán bộ Hội ở cơ sở”.
GS. Nguyễn Trọng Nhân thăm hỏi, tặng quà đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai
Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân là một nhân cách lớn, đáng kính trọng! Từ Sư đoàn 312 Anh hùng, chiến sỹ pháo binh Nguyễn Trọng Nhân được cử đi Liên Xô học ngành Y trong 8 năm liền, sau đó về phục vụ trong ngành Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bạn bè, đồng nghiệp và những người gắn bó, làm việc với Giáo sư đều nhận thấy Giáo sư là một con người trọng nhân cách, trọng nghĩa tình. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân từng kể lại cho tôi, hồi Giáo sư làm Viện trưởng Viện Mắt Trung ương, bất ngờ được Trung ương điều động làm Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo sư đã gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười tha thiết đề nghị xin được ở lại Viện Mắt để làm công tác chuyên môn, nhưng Tổng Bí thư đã động viên và yêu cầu Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân thực hiện sự phân công của Đảng. Về Bộ Y tế để công tác, việc đầu tiên mà Giáo sư quan tâm là tìm người thay thế mình đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng. Chuyện nhà ở của Giáo sư cũng vậy. Về công tác tại Bộ Y tế, được phân đất để làm nhà riêng, nhưng Giáo sư đã kiên quyết từ chối không nhận với lý do là để dành đất cho lãnh đạo khác còn khó khăn hơn. Và từ đó đến giờ, Giáo sư cùng gia đình chỉ ở căn nhà 30 Trần Hưng Đạo do cụ thân sinh để lại, căn nhà rất khiêm nhường chỉ vỏn vẹn mấy chục mét vuông.
Quá trình công tác tại Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trong những chuyến đi công tác địa phương, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân thường mang những tặng phẩm của gia đình như: tranh, đồng hồ, thuốc men, quần áo,… và cả tiền lương của mình để tặng cho bà con và tổ chức Hội những nơi còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, gian khổ;…. Tấm lòng và nhiệt huyết của Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân với công việc và con người như vậy đã thực sự lôi cuốn và cảm hóa, thuyết phục được rất nhiều người.
Trong 17 năm làm Chủ tịch Hội, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân đã mời được nhiều người có uy tín trong xã hội, trong ngành Y về làm việc, góp sức cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, như: Bác sỹ Lê Công Tâm, Giáo sư Đoàn Xuân Mượu, Giáo sư Nguyễn Đình Hường, Giáo sư Nguyễn Thị Hội, Giáo sư Lê Cao Đài, Phó Giáo sư Trần Thu Thủy, Tiến sĩ Đào Trân…
Hai năm trở lại đây, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân không được khỏe, thường xuyên phải nằm điều trị tại bệnh viện, có giai đoạn đã lúc nhớ lúc quên theo tuổi tác của người già. Mỗi lần đến thăm, tôi thường nói chuyện với Giáo sư khoảng 1-2 giờ, ôn lại những sự kiện, những kỷ niệm đẹp, những con người bình dị và rất đỗi thân thương ở Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân rất xúc động, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má mỗi khi nhắc lại kỷ niệm. Có lần, nắm chặt tay tôi, Giáo sư nói: “Những năm tháng mình và các cậu ở Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thật đáng nhớ và tự hào. Nếu có điều kiện thì cậu nên ghi chép lại cho thế hệ sau tham khảo và nói lại với anh em cố gắng làm tốt hơn để xứng đáng với Hội của Cụ Hồ”. Tâm sự đó cũng là tâm nguyện cuối cùng của Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Cuộc đời của Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân đã khép lại như triết lý của nhà Phật: “Lấy vật chất làm của, của sẽ xa ta; lấy phúc đức làm của, của theo ta suốt đời”. Phúc – Đức – Nghĩa – Tình của Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân đã, đang và sẽ mãi mãi sống trong tình cảm và sự trân trọng yêu thương của những người làm công tác nhân đạo và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Viết đến đây, nước mắt tôi đã nhạt nhòa trên trang giấy vì xúc động, vì nhớ thương một nhân cách, một con người đáng kính của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Với tấm lòng thành kính, xin được thắp nén tâm nhang để đa tạ và tiễn đưa Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân về cõi vĩnh hằng.
Sài Đồng, 3h00 ngày 12/7/2017
Nguyễn Hải Đường (Nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)