Sáng ngày 26/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng, đoàn công tác của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt NamTrần Thị Hồng An - làm trưởng đoàn đã làm việc với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng nhằm đánh giá thực trạng về hoạt động sơ cấp cứu và khả năng phát triển mô hình dịch vụ sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tại địa phương.
Trong thời gian từ ngày 17 - 26/4, đoàn công tác của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã làm việc tại 8 tỉnh thành phố trong cả nước, trong đó Khu vực Tây nguyên, tỉnh Lâm Đồng được T.Ư Hội chọn khảo sát tình hình hoạt động sơ cấp cứu và khả năng phát triển mô hình dịch vụ sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tại địa phương.
Theo báo cáo, Lâm Đồng chưa có cơ sở đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ. Khắc phục khó khăn đó, hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu để cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ có kiến thức cơ bản trong việc sơ cứu tại chỗ; tổ chức Hội thi Sơ cấp cứu cấp tỉnh để nâng cao kiến thức, kỹ năng về sơ cấp cứu cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ.
Quang cảnh buổi làm việc.
Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn giao thông, tai nạn lao động cho nhiều cấp cứu viên, tình nguyện viên sơ cấp cứu cộng đồng và lồng ghép nội dung này trong các lớp tập huấn công tác Hội.
Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã cấp 45 bộ dụng cụ sơ cấp cứu cho các trường học và các huyện, thành Hội, nhằm phục vụ công tác sơ cấp cứu trong trường học và tại cộng đồng. Mỗi năm, các cấp Hội trong tỉnh đã thực hiện sơ cứu khoảng 2.000 người.
Được biết, Đề án nâng cao năng lực về phòng chống tai nạn thương tích và phát triển hệ thống sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, thực hiện chỉ đạo của Thường trực T.Ư Hội về việc xây dựng Kế hoạch phát triển mô hình dịch vụ sơ cấp cứu Chữ thập đỏ, đoàn công tác của T.Ư Hội đã tổ chức khảo sát thu thập thông tin về hoạt động sơ cấp cứu tại 10 đơn vị là tỉnh, thành Hội và các Trung tâm, cơ sở huấn luyện sơ cấp cứu của hệ thống Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bao gồm các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Trung tâm Phòng ngừa thảm họa và Kho hàng Đà Nẵng, Trung tâm dịch vụ An sinh Chữ thập đỏ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Trần Thị Hồng An, thống nhất với đề xuất của Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng tham gia thực hiện Đề án. Phó Chủ tịch T.Ư Hội đề nghị Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng tiếp tục khảo sát đánh giá chi tiết về hệ thống trạm, điểm sơ cấp cứu tại cộng đồng; việc đào tạo nâng cao năng lực cho dội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu, đặc biệt chọn địa điểm để xây dựng mô hình, quảng bá, tuyên truyền; nghiên cứu thị trường, đối tượng như trường học, khách sạn, lực lượng tình nguyện viên, người lao động,...để xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án; đẩy mạnh công tác truyền thông về mô hình này phải được rộng khắp; từng bước thành lập Trung tâm dịch vụ huấn luyện sơ cấp cứu.
Hoàng Văn Khôi