Hành động của anh khiến nhiều người cảm phục, mặc dù anh đã ra đi, nhưng trái tim anh vẫn luôn đập và còn sống mãi…
Những ngày cuối tháng 2/2017, trong khi làm nhiệm vụ anh Lê Hải N. (mang quân hàm thiếu tá, SN 1973, ở Bắc Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình) bị ngã trong khi làm nhiệm vụ, ngay sau đó anh Ninh được đưa đến bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị.
Tại đây, các bác sĩ tiên lượng tình trạng của anh vô cùng xấu, sau đó anh N. có biểu hiện chết não.
Trong lúc rối bời đó, gia đình anh đã quyết định gọi tới Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, nhờ kết nối với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.
Nội dung gia đình muốn kết nối với trung tâm đó là muốn hiến tặng mô, tạng của anh cho y học để cứu chữa cho những người bệnh cần ghép mô, tạng và không đưa ra bất cứ yêu cầu nào khác.
Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về việc anh Lê Hải N. muốn hiến mô, tạng cứu người. Cán bộ trung tâm đã kiểm tra danh sách chờ ghép quốc gia.
Bệnh nhân nhận được phổi hiến tặng từ thiếu tá chết não
Qua quá trình triển tra và khớp nối các thông tin, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã tìm được 1 bệnh nhân cần ghép tim và 1 bệnh nhân cần ghép thận ở TP. HCM phù hợp với các chỉ số của người cho và đúng theo thứ tự ưu tiên đúng quy định của luật pháp.
Còn lại phổi, 1 thận và 1 giác mạc phù hợp với các bệnh nhân đang được điều trị và theo dõi tại bệnh viện 108, 1 giác mạc ghép tại Bệnh viện Mắt Trung ương theo đúng các quy định chung.
Ngay sau khi có danh sách người ghép phù hợp chỉ số và theo đúng quy định pháp luật, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã cùng các chuyên gia đánh giá và quyết định điều phối tim và 1 thận của anh Lê Hải N. vào TP. Hồ Chí Minh để ghép cho 2 bệnh nhân đang chờ đợi.
Hai lá phổi, 1 thận và 2 giác mạc của anh được thực hiện ghép cho các bệnh nhân tại bệnh viện 108….
Như vậy, mô tạng của anh Ninh đã được điều phối và ghép cho tất cả 6 bệnh nhân, trong đó 2 trường hợp ở TP HCM và 4 trường hợp ở Hà Nội. Hiện, những bệnh nhân được ghép các tạng này sức khoẻ tiến triển tốt, ổn định.
GS Mai Hồng Bàng – GĐ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong số các ca ghép trên, ca ghép phổi lần đầu tiên được thực hiện thành công ở Việt Nam từ nguồn tạng của người cho chết não.
Đánh giá về kỹ thuật ghép phổi, GS Bàng nhận định: “Ghép phổi được đánh giá là kỹ thuật khó nhất hiện nay bởi tính chất phức tạp, sự khẩn trương và kỹ thuật chuyên sâu… khi thực hiện ca ghép.
Đặc biệt, với người cho chết não, việc hồi sức chết não vô cùng quan trọng. Nếu ghép phổi người cho sống đã khó khăn thì ghép từ người cho chết não còn khó hơn nhiều”.
Theo Phương Linh (soha.vn)