Ngày 8/11, tại trụ sở Uỷ ban Dân tộc, đoàn cán bộ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Trung ương Hội dẫn đầu đã đến làm việc với Uỷ ban Dân tộc về công tác phối hợp giữa 2 bên trong giai đoạn 2013-2018 và định hướng hợp tác giai đoạn 2019-2021.
Buổi làm việc có sự tham dự của ông Đỗ Văn Chiến – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Hoàng Thị Hạnh – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Trần Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Trung ương Hội cùng các cán bộ đại diện các phòng, ban của Trung ương Hội.
Theo báo cáo về kết quả hoạt động, về công tác phối hợp tuyên truyền giá trị nhân đạo, giáo dục truyền thống nhân ái đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước hai bên đã phối hợp tổ chức các hoat động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc với nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến như: Phối hợp in ấn các tài liệu về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đưa xuống cơ sở; Phối hợp tuyên truyền trên báo, tạp chí, truyền hình địa phương, giáo dục truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc anh em chung sống trên địa bàn.
Về việc phối hợp các chương trình dự án, đề án phát triển kinh tế – xã hội, tham gia xoá đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, các chương trình triển khai đã đạt được những kết quả nhất định.
Theo báo cáo của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trong những năm qua, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, toàn Hội đã vận động và hỗ trợ trên 12,5 triệu suất quà (tổng trị giá trên 4.750 tỷ đồng) trao tặng cho trên 12,5 triệu hộ gia đình nghèo, hộ khó khăn, đặc biệt là các hộ gia đình dân tộc thiểu số, miền núi; Chương trình “Ngân hàng bò – Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới” đã vận động trợ giúp trên 17.000 con bò cho các hộ gia đình nghèo, hộ dân tộc miền núi khó khăn; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với với một địa chỉ nhân đạo” đã trợ giúp trên 750.000 địa chỉ nhân đạo với số tiền gần 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội thường xuyên triển khai các hoạt động trợ giúp khác: hàng năm khi thiên tai, bão, lũ xảy ra, Hội thực hiện công tác cứu trợ cho đồng bào vùng thiên tai, vùng miền núi (công tác cứu trợ hàng năm đạt trị giá trung bình 100 tỷ đồng); Hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ khó khăn, hộ bị ảnh hưởng thiên tai. Dự án hỗ trợ nước sạch vệ sinh thực hiện tại huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ cho trên 90% người hưởng lợi là người dân tộc Đăk Ray…
Với những kết quả như vậy, các nội dung của chương trình đều được 2 cơ quan ở các địa phương triển khai thực hiện. Qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi. Tuy vậy, còn có một số hạn chế như: thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các hoạt động, hạn chế trong công tác chia sẻ thông tin giữa hai bên; một số địa phương chưa xác định rõ cơ chế, nội dung phối hợp, chưa phân công trách nhiệm một cách cụ thể nên chưa phát huy hết thế mạnh của mỗi bên…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Thị Xuân Thu nêu rõ: Nhiều nội dung phối hợp được đưa ra cần được thảo luận thêm, và chương trình phối hợp này có thể kéo dài thêm được nhiều năm, với những nội dung phù hợp với chức năng nhiệm vụ của hai bên như những hoạt động hỗ trợ cho bà con dân tộc miền núi, dân tộc thiểu số trên khắp cả nước. Các chương tình mang tính thương hiệu của Hội như “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Ngân hàng bò”… đã hỗ trợ trực tiếp cho bà con các vùng miền khó khăn. Trung ương Hội cũng có các dự án hỗ trợ về nước sạch, môi trường nông thôn, vệ sinh cho các trường học, dự án hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là các hoạt động cứu trợ ở tất cả các vùng xảy ra thiên tai như xây dựng nhà, hỗ trợ sinh kế, chăm sóc sức khoẻ.
Cùng với đó, Trung ương Hội cũng có kế hoạch cung cấp một số ấn phẩm, nâng cao nội dung truyền thông trong cơ quan báo chí của Trung ương Hội như tăng các chuyên trang liên quan đến kinh tế – xã hội vùng dân tộc, miền núi; giới thiệu các tấm gương điển hình về công tác nhân đạo.
Với những kết quả trong 5 năm hợp tác vừa qua, ở giai đoạn 2019-2021 tới, hai bên sẽ ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2019-2021; xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm nêu rõ mục tiêu, chỉ tiêu đạt được, phân công trách nhiệm các bên. Trên cơ sở đó, hai bên xác định nội dung phối hợp là một trong những nội dung hoạt động hàng năm của hai bên.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết những vấn đề mà Trung ương Hội Chữ thập đỏ đưa ra đều có khả năng hợp tác được như vận động các đối tác hỗ trợ cho các dự án nước sạch vệ sinh; cung cấp các thiết bị lọc nước; đưa Tạp chí Nhân đạo, Cơ quan ngôn luận của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham gia Đề án “Cấp một số ấn phẩm báo và tạp chí cho vùng Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2021”; Phối hợp thực hiện hiệu quả Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, Dự án “Ngân hàng Bò”, Cuộc vận động“ Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chí nhân đạo”, các hoạt động trợ giúp đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai; Xây dựng địa chỉ nhân đạo với đối tượng là người dân tộc thiểu số ở vùng núi khó khăn; Vận động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số; Phối hợp hướng dẫn xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến là tập thể, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số trong các hoạt động xã hội nhân đạo; Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, khảo sát nắm tình hình thực tế ở một số địa phương.
Theo Đức Long (baonhandao.vn)