Siết chặt việc quản lý đăng ký nhãn hiệu có sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ

31/10/2023 - 05:10

Tham dự Hội thảo có Ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam; Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam; Bà Trần Hương Giang, đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tại Việt Nam, cùng hơn 50 lãnh đạo và cán bộ, thẩm định viên của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham dự, thảo luận trực tuyến của các chuyên gia tư vấn pháp lý Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.

 

A2

Các đại biểu Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tham dự Hội thảo trực tuyến cùng với các chuyên gia pháp lý của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế về vấn đề sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ và các biểu tượng khác trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (Ảnh: Lã Hằng)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam cho biết: “Các biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ như Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ ngoài mục đích nhận diện cho tổ chức làm công tác nhân đạo còn có một mục đích, ý nghĩa hết sức đặc biệt. – Đó là biểu tượng của sự bảo vệ“.

Theo Ông Hùng, luật pháp quốc tế quy định, trong các cuộc xung đột vũ trang, những người bị thương, những người bị bệnh và những người chăm sóc họ cũng như các phương tiện, cơ sở vật chất khi mang biểu tượng này đều được bảo vệ, không ai được phép tấn công. Do vậy, các biểu tượng trên cần phải được tôn trọng và sử dụng đúng. Nếu biểu tượng này bị sử dụng một cách tùy tiện, bừa bãi sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người.

 

A1

Ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam chia sẻ tại buổi hội thảo (Ảnh: Lã Hằng)

Tại Hội thảo, Bà Trần Thu Hằng – Trưởng Ban truyền thông và Tình nguyện viên Trung ương Hội CTĐ Việt Nam cho biết, hình chữ thập màu đỏ trên nền trắng không còn xa lạ gì với người dân bởi nó xuất hiện từ bệnh viện, xe cứu thương, các sản phẩm liên quan đến vật dụng y tế… Tuy nhiên, việc sử dụng biểu tượng như vậy là sai quy định của pháp luật và không đúng bản chất, bởi đây là biểu tượng của những hoạt động nhân đạo không tính phí.

 

A4
Bà Trần Thu Hằng – Trưởng Ban truyền thông và Tình nguyện viên Trung ương Hội CTĐ Việt Nam

(Ảnh: Lã Hằng)

Mặc dù đã có những văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam quy định về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, tuy nhiên hiện nay, biểu tượng Chữ thập đỏ xuất hiện khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực không thuộc hoạt động Chữ thập đỏ, phổ biến nhất là ngành y tế (các cơ sở y tế, cửa hàng thuốc tân dược, xe cấp cứu, trên các chương trình truyền hình, quảng cáo liên quan đến chăm sóc sức khỏe…), các sản phẩm hàng hóa, biển quảng cáo, biển báo…

Nghiêm trọng hơn, một số đơn vị, nhóm người, cá nhân mạo danh Hội Chữ thập đỏ, cán bộ Hội sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để vận động quyên góp, bán hàng “từ thiện”.

Theo Bà Hằng, biểu tượng Chữ thập đỏ bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau: Sử dụng sai (không phải cá nhân, tổ chức, hoạt động Chữ thập đỏ nhưng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ và biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), bắt chước (sử dụng dấu hiệu gần giống về hình dáng, màu sắc của biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gây nhầm lẫn), mạo danh (các nhóm, cá nhân làm từ thiện “trá hình” sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để trục lợi).

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng sai, lạm dụng biểu tượng chữ thập đỏ. Trong đó có nguyên nhân do nhận thức và truyền thông chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của biểu tượng. Do vậy việc truyền thông nâng cao nhận thức là rất quan trọng, trước hết cần nâng cao nhận thức cho cán bộ chữ thập đỏ các cấp để từ đó lan tỏa ra cộng đồng.

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, việc sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ ở Việt Nam hiện nay thực chất là nó có một quá trình kéo dài khá lâu. Nhiều người nghĩ rằng đó là biểu tượng của ngành y tế, dẫn đến các cá nhân và tổ chức có liên quan đã sử dụng Chữ thập đỏ này làm biểu tượng của mình trong hoạt động. 

 

A3
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Ảnh: Lã Hằng)

Theo ông Hồng, do tình cờ hoặc ngẫu nhiên mà nhiều người chưa nhận thức được đầy đủ về biểu tượng Chữ thập đỏ. Chính vì vậy, điều quan trọng trong thời gian tới, chúng ta phải thay đổi nhận thức về dấu hiệu chữ thập đỏ, để cho từng người dân, các tổ chức, doanh nghiệp nhận thức được đây là một biểu tượng của một phong trào, một tổ chức nhân đạo. 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các ý kiến đến từ các chuyên gia pháp lý của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế xoay quanh việc xử lý các tình huống vướng mắc, khó khăn khi gặp các hồ sơ thủ tục của các chủ đơn đăng ký nhãn hiệu, trong đó có các chi tiết liên quan đến dấu hiệu Chữ thập đỏ hoặc Trăng lưỡi liềm đỏ/Pha lê đỏ, đặc biệt là những nhãn hiệu đăng ký có hình dáng cách điệu hoặc màu sắc gần giống với các biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. 

Ông Hồng cho biết, dưới góc độ của các cơ quan quản lý nhà nước, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Hội Chữ thập đỏ để giúp cho việc đăng kí nhãn hiệu phù hợp với quy định với Luật Sở hữu trí tuệ, phù hợp với Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, và các hoạt động của các tổ chức quốc tế, để đảm bảo cho biểu tượng đó được sử dụng một cách đúng mục đích. 

Trong thời gian tới, liên quan đến dấu hiệu bảo hộ mà những người nộp đơn yêu cầu, tất cả những nhãn hiệu đề nghị đăng ký nếu có dấu hiệu chữ thập đỏ và tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các biểu tượng chữ thập đỏ, trăng lưỡi liềm đỏ, pha lê đỏ sẽ được bộ phận thẩm định, xét duyệt hồ sơ của Cục Sở hữu trí tuệ từ chối và yêu cầu người nộp đơn giải trình, xuất trình văn bản của Hội Chữ thập đỏ cho phép theo quy định. Điều này được thực hiện căn cứ khung pháp lý “kép” của hai bên – đó là các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Nhân đạo quốc tế và Luật hoạt động Chữ thập đỏ – Ông Hồng khẳng định.

Đối với những nhãn hiệu đã đăng ký bị sử dụng sai biểu tượng, hai bên sẽ phối hợp rà soát, kiểm tra và đưa ra hướng dẫn biện pháp khắc phục, xử lý tùy vào từng trường hợp cụ thể, như: Khuyến khích/đề nghị chủ sở hữu nhãn hiệu thay đổi dấu hiệu chữ thập đỏ sang hình dạng khác hoặc màu sắc khác hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tổng thể nhãn hiệu…  

Lã Hằng – Hiền Lê

Tin liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *