Trong giai đoạn 2015-2020, cùng với phong trào thi đua chung của tỉnh, các phong trào thi đua của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình phát triển ngày càng sâu rộng, bám sát đối tượng, địa bàn, gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương cơ sở, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, sinh động, góp phần phát triển kinh tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, giúp người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Qua các phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” trong phong trào “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện”, tô đẹp thêm truyền thống nhân ái của dân tộc và bản chất tốt đẹp của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu và chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hoàng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệt liệt biểu dương và trân trọng cảm ơn tinh thần thi đua yêu nước của các cấp Hội Chữ thập đỏ và các câu lạc bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình trong 5 năm qua. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng như lời Bác Hồ đã dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”; triển khai các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các cấp Hội cần phải thực hiện công tác khen thưởng một cách thường xuyên; Trong giai đoạn tiếp theo, cần phải duy trì, nhân rộng các mô hình nhân đạo hiệu quả hiện nay đang triển khai và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các hoạt động của phong trào thi đua.
Ông Phan Văn Cầu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình – Thừa ủy quyền tặng Bằng khen Trung ương Hội cho các tập thể, cá nhân
Từ các phong trào thi đua yêu nước, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, thể hiện vai trò nòng cốt, vai trò cầu nối và điều phối trong các hoạt động nhân đạo. Các phong trào, các mô hình như “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Ngân hàng bò”, “Thùng quỹ Nhân đạo”, “câu lạc bộ tình nguyện”, “Liên hoan tiếng hát nhân đạo”, “Chợ Nhân đạo”, “Xuân biên giới- Tết yêu thương”, “Bếp ăn tình thương”, cuộc vận động: “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”… ngày càng được lan tỏa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhân dân phòng ngừa thảm họa, thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, phục hồi, góp phần trợ giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, tiêu biểu có huyện Lệ Thủy với mô hình “Trường học an toàn”, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa với mô hình “Cộng đồng an toàn”; mô hình “tập huấn sơ cấp cứu, cứu hộ cứu nạn” cho thuyền viên, hướng dẫn viên du lịch và lái xe.
Mặt khác, công tác truyền thông của Hội Chữ thập đỏ các cấp đã được chú trọng như Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Bình xây dựng chuyên mục “Hành trình nhân đạo” phát định kỳ hàng tháng, xây dựng chuyện Chuyên mục “Kết nối yêu thương” nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quan giúp đỡ cho các địa chỉ nhân đạo.
Trong đó, xuất hiện những tập thể, cá nhân xứng đáng là điển hình tiêu biểu như: trong hoạt động trợ giúp các đối tượng chính sách, người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật và các đối tượng khó khăn trong xã hội với nhiều điển hình tiêu biểu như chị Dương Thị Thủy Linh (Tình nguyện viên Chữ thập đỏ huyện Minh Hóa), anh Nguyễn Quang Sự (Tình nguyện viên Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy)… đã không quản ngại khó khăn, gian khổ luôn đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn; trong công tác tổ chức, vận động hiến máu tình nguyện có nhiều kết quả tích cực với nhiều cá nhân tham gia hiến máu trên 30 lần điển hình như chị Trần Thị Phương Lan (Hội viên Chữ thập đỏ phường Đồng Sơn), có 26 cá nhân hiến máu tình nguyện 20 lần, trên 300 cá nhân hiến máu tình nguyện trên 10 lần và 100.000 người tham gia hiến máu tình nguyện. Trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, tổng giá trị các hoạt động nhân đạo đạt 217 tỷ 452 triệu đồng, giúp đỡ cho 1.039.208 lượt người.
Tặng Giấy khen Ban chấp hành tỉnh Hội cho các tập thể
Tại Hội nghị, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã tham luận, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động nhằm thực hiện có hiệu quả công tác từ thiện, nhân đạo của Hội cũng như xây dựng các mô hình tại cơ sở.
Trong 5 năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất (năm 2016); 6 đơn vị được BCH Trung ương Hội tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc; 01 đơn vị được UBND tỉnh tặng Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc; BCH Trung ương Hội tặng 370 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo”; 256 tập thể, 282 cá nhân và 3 gia đình xuất sắc được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội; 03 Bằng khen tập thể của Bộ Y tế; 36 tập thể, 80 cá nhân và 4 gia đình xuất sắc được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 01 Bằng khen tập thể của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh; 299 tập thể, 441 cá nhân xuất sắc được tặng Giấy khen của Ban Chấp hành tỉnh Hội; đồng chí Chủ tịch và 01 đồng chí Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Nhân dịp này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen cho 08 tập thể và 06 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 05 tập thể, 05 cá nhân; Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình tặng Giấy khen cho 18 tập thể, 27 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của Hội trong giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh đó, Hội nghị đã hiệp thương cử Đoàn Đại biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V gồm 4 đại biểu, đồng thời phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025.
Phương Dung (CTV)