Kỷ niệm Ngày Tình nguyện quốc tế (5/12): Phong trào tình nguyện ngày càng thu hút nhiều tầng lớp nhân dân

31/10/2023 - 05:10

Ngày 5/12/1985 khi nhận ra được sự thiết thực của công tác tình nguyện và những công lao của các tình nguyện viên đã đóng góp, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày này là ngày “Tình nguyện quốc tế”. Kể từ đó, ngày 5/12 hàng năm, các tổ chức tình nguyện trên toàn thế giới lại tưng bừng tổ chức những nhiều hoạt động chào mừng một ngày lễ lớn của những người làm tình nguyện.

Cơ hội cho các tình nguyện viên đóng góp cho xã hội

Ngày “Tình nguyện quốc tế” là một cơ hội cho các tình nguyện viên cá nhân, cộng đồng và các tổ chức để thúc đẩy sự đóng góp của họ cho sự phát triển ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Bằng cách kết hợp hỗ trợ của Liên Hợp quốc với một ủy nhiệm cấp cơ sở, Ngày “Tình nguyện quốc tế” là một cơ hội chung cho người dân và các tổ chức tình nguyện liên quan cùng làm việc với các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, các nhóm cộng đồng, học viện và các khu vực tư nhân của xã hội dân sự.

Tình nguyện viên Chữ thập đỏ Câu lạc bộ 25 Việt Nam

Ở Việt Nam, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, một phong trào mang tính tình nguyện toàn dân đã xuất hiện, phong trào “Chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm”. Hầu hết các gia đình Việt Nam lúc đó đều có “hũ gạo tiết kiệm”, mỗi bữa ăn bớt một nắm gạo trong khẩu phần ít ỏi của mình để cứu giúp những người bị đói.

Từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần, thực hiện chính sách mở cửa, phong trào tình nguyện đã phát triển sâu rộng cả về nội dung và hình thức đa dạng.

Kết quả là phong trào ngày càng thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Nội dung phong trào được mở rộng ra mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và hướng trọng tâm vào những nhiệm vụ cấp bách, nóng bỏng như: rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, xây dựng các vùng kinh tế mới, trồng rừng bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế văn hóa vùng sâu, vùng xa, xóa nạn mù chữ, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em mồ côi…

Tình nguyện viên Chữ thập đỏ không ngừng phát triển

Những năm gần đây, phong trào và lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, hình ảnh và vai trò của lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ ngày càng khẳng định rõ nét hơn, sống động hơn. Hoạt động của đội ngũ tình nguyện viên Chữ thập đỏ luôn đóng vai trò nòng cốt trong công tác từ thiện, nhân đạo góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của tổ chức Hội Chữ thập đỏ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. 

Các tình nguyện viên tham gia hiến máu tình nguyện

Tính đến tháng 6 năm 2019, cả nước có trên 300.000 tình nguyện viên Chữ thập đỏ, trong đó 9.596 đội, nhóm, câu lạc bộ với đa dạng các mô hình hoạt động như: Cửa hàng Chữ thập đỏ, Hội chợ nhân đạo (Hà Nội, Đồng Tháp), Vườn cây nhân đạo (Trà Vinh), Đội phòng cháy, chữa cháy Chữ thập đỏ (An Giang), Đội vận động hiến mô, hiến tạng nhân đạo, Tình nguyện viên gia đình phật tử (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng), Tủ bánh mỳ từ thiện, Tủ quần áo từ thiện (Khánh Hòa), Tình nguyện viên truyền thông, Đại sứ nhân ái (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh), các hình thức Câu lạc bộ: Bluse Trắng, Trái tim tình nguyện, Sống để yêu thương, Máu nóng tim yêu thương (Đà Nẵng)… Trong số đó, các mô hình: Bếp ăn tình thương, Tổ cấp cháo, nước sôi miễn phí, Quán cơm từ thiện, Bữa cơm cho người nghèo, Nồi cháo tình thương, Tủ bánh mỳ từ thiện, Tủ quần áo từ thiện vẫn duy trì phát triển ngày càng lan tỏa, mở rộng và giá trị hoạt động ngày càng lớn… 

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Tin liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *