Gần 70 % liều vắc-xin Coid-19 được phân phối tại 50 quốc gia giàu nhất thế giới, trong khi chỉ 0,1% vắc- xin được tiêm chủng tại 50 quốc gia nghèo nhất. IFRC cảnh báo rằng sự bất bình đẳng này sẽ tác động tàn phá, hủy diệt, khoét sâu vào các vấn đề thực tại và ảnh hưởng lâu dài đến thế giới hậu Covid-19.
Ông Jagan Chapagain, Tổng thư ký IFRC, cho biết: “Sự phân bổ bất bình đẳng vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ dẫn đến hậu quả kéo dài và làm trầm trọng thêm tình hình đại dịch. Tôi xin nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều ngồi chung trên một con thuyền trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 này. Hiện nay, vắc- xin đang được phân phối tới những đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm thấp mà bỏ qua nhóm người thuộc nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất tại những vùng ảnh hưởng nhất bởi dịch.”
“Việc phân phối công bằng vắc-xin Covid-19 bên trong và ngoài các quốc gia không chỉ là vấn đề đạo đức, mà đó còn là cách duy nhất để giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện tại. Không ai an toàn cho tới khi tất cả an toàn. Vì thế nếu không phân phối đồng đều vắc- xin, kể cả những người đã tiêm chủng sẽ vẫn nằm trong vùng nguy hiểm.”
Ảnh minh họa: Reuters
IFRC cảnh báo rằng, nếu phần lớn các nước vẫn chưa được tiêm chủng, vi rút Covid-19 sẽ vẫn tiếp tục lan rộng và sản sinh ra nhiều biến thể mới hơn. Những biến thể này có khả năng kháng lại vắc – xin vì thế vi rút vẫn có thể tấn công và xâm nhập vào những người đã tiêm phòng.
Nhằm thúc đẩy sự phân phối vắc – xin công bằng, IFRC công bố Kế hoạch mới trị giá 100 triệu franc Thụy Sĩ hỗ trợ tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 cho 500 triệu người.
Theo kế hoạch, các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc gia sẽ tham gia trợ giúp công tác lên kế hoạch và tiến hành thực hiện tiêm chủng tại quốc gia, bao gồm củng cố sự tin tưởng của người dân vào vắc – xin và loại bỏ những thông tin sai lệch về hiệu quả của tiêm chủng. Công tác này rất quan trọng vì thực tế cho thấy tỷ lệ người dân do dự khi tiêm phòng đang gia tăng trên khắp thế giới.
Lực lượng Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ cũng đảm bảo sự tham gia của những cộng đồng và cá nhân yếu thế về mặt kinh tế, xã hội hay địa lý tham gia vào nỗ lực tiêm chủng. Bên cạnh đó, nhân sự với kiến thức chuyên môn đã qua đào tạo ở nhiều quốc gia sẽ chịu trách nhiệm phân phối vắc – xin tới các nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương trong xã hội.
Hiện đã có 66 Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia đang hoặc sẽ tham gia vào các chiến dịch tiêm chủng vắc xin của Hiệp Hội, cùng với các Hội quốc gia khác đang trong quá trình thảo luận với chính phủ của họ.
Ông Chapagain (IFRC) cho biết: “Lịch sử thế giới cho chúng ta biết rằng bình đẳng không phải là điều hiển nhiên mà có. Việc phân phối vắc- xin cũng vậy. Nó cần được thúc đẩy và lên kế hoạch ngay từ đầu. Kế hoạch của chúng tôi nhằm đảm bảo đưa vắc-xin phòng ngừa Covid-19 ra khỏi các thành phố, thủ đô giàu có và đến tận tay những cộng đồng và cá nhân dễ bị tổn thương, chịu nguy cơ lây nhiễm cao trên thế giới.”
( Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)