Nét nổi bật trong nhiệm kỳ qua là các cấp Hội đã tham gia tích cực hoạt động phòng chống đại dịch COVID-19, đã tổ chức 30.788 buổi truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 với thông điệp 5K của Bộ Y tế, “Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch đúng cách, sử dụng khẩu trang đúng cách và hợp lý”; phát hành 187.900 tờ rơi; tặng miễn phí gần 17,3 triệu khẩu trang, gần 2.050.000 bánh/chai xà phòng và dung dịch sát khuẩn, 235.540 bộ quần áo phòng, chống dịch và hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu cho các điểm cách ly tập trung, cơ sở y tế và người dân.
Trung ương Hội đã ra Lời kêu gọi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ ủng hộ người dân ứng phó với dịch COVID-19; tổ chức Chiến dịch “Kết nối cộng đồng – Vượt qua thử thách”, Chương trình “Hỗ trợ lao động ngoại tỉnh, lao động từ vùng dịch trở về địa phương mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19”; Chương trình “Túi hàng gia đình” với giá trị các hoạt động đạt gần 1.022 tỷ đồng, trong đó Trung ương Hội vận động và hỗ trợ các tỉnh, thành Hội 120 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành Hội triển khai ứng phó với dịch bệnh đạt kết quả cao, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Khánh Hòa…
Hoạt động sơ cấp cứu trong nhiệm kỳ qua có nhiều khởi sắc. Trung ương Hội đã hoàn thiện tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ. Tài liệu đã được Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt năm 2018 và ban hành sử dụng thống nhất trong toàn Hội. Tính từ năm 2019, đã có gần 200 tập huấn viên sơ cấp cứu được chuẩn hóa và đào tạo mới, trong đó 113 người đã được Trung ương Hội cấp Giấy chứng nhận và Thẻ tập huấn viên sơ cấp cứu.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu cho gần 660.000 người, tương đương khoảng 0,78% dân số, truyền thông phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu cho hơn 2,7 triệu lượt người, tương đương khoảng 2,9% dân số, vượt chỉ tiêu Đại hội X đề ra. Các trạm/điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tiếp tục được chuẩn hóa theo quy định, đã có 06 trạm, 536 điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ được cấp phép hoạt động, kịp thời hỗ trợ các nạn nhân tai nạn, thương tích, tai nạn giao thông trước khi tiếp cận được các cơ sở/nhân viên y tế.
Trong hoạt động khám bệnh nhân đạo, toàn Hội duy trì 500 đội khám, chữa bệnh lưu động tại 43/63 tỉnh, thành Hội; củng cố, chuẩn hóa 736 cơ sở, phòng khám bệnh (giảm 453 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ do không đủ điều kiện hoạt động theo quy định). Hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí tiếp tục được tổ chức ở địa bàn có nhu cầu với trên 28,6 triệu lượt người hưởng lợi. Mô hình xe cứu thương Chữ thập đỏ chuyển bệnh nhân nghèo tiếp tục được duy trì và phát triển tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ như: An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh…
Trong nhiệm kỳ qua, toàn Hội cũng đã vận động và hỗ trợ trên 9.398 công trình nước sạch (giếng khoan, bồn, bể chứa nước) và gần 4.584 công trình vệ sinh cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện được triển khai ngày càng sâu rộng, có nhiều đổi mới, tăng quyền chủ động cho các địa phương triển khai các chiến dịch, sự kiện lớn, giảm áp lực về thời gian tổ chức, đồng thời huy động được tối đa lực lượng tại địa phương tham gia.
Lần đầu tiên, toàn Hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan luôn đảm bảo nguồn người hiến máu an toàn, sẵn sàng hiến máu khi cần, kể cả ở thời điểm đỉnh cao của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày toàn dân Hiến máu tình nguyện (07/4/2000 – 07/4/2020) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Thư kêu gọi, động viên đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước tham gia hiến máu tình nguyện; một số địa phương đã lồng ghép hiệu quả tuyên truyền về hiến máu với hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đến nay, tỷ lệ tham gia hiến máu tình nguyện của Việt Nam đạt 1,5% dân số, tăng gần 0,3% so với đầu nhiệm kỳ. Toàn Hội lập mới và duy trì hoạt động của trên 4.000 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với gần 132.000 thành viên.
Một số sự kiện, chiến dịch truyền thông lớn, như: “Hiến máu tình nguyện dịp Tết” và “Lễ hội xuân hồng”, Chiến dịch “Những giọt máu hồng” – hè và “Hành trình đỏ”, “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” – 7/4, “Ngày Quốc tế Người hiến máu” – 14/6 được phối hợp tổ chức ấn tượng. Một số mô hình: Tuyến phố hiến máu, dòng họ hiến máu, gia đình hiến máu… tiếp tục phát triển, nhân rộng.
Tổng lượng máu tiếp nhận từ năm 2017 đến hết năm 2021 đạt trên 7,1 triệu đơn vị máu, trong đó: Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng từ 97,5% năm 2017 lên 99,5% năm 2021, số đơn vị máu tiếp nhận gần 1,3 triệu đơn vị năm 2017 tăng lên hơn 1,4 triệu năm 2021, tương đương 1,5% dân số hiến máu (tăng gần 0,3% dân số hiến máu so với đầu nhiệm kỳ), tỷ lệ đơn vị máu tiếp nhận có thể tích từ 350ml trở lên đạt gần 60% (tăng 20% so với đầu nhiệm kỳ).
Công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, toàn Hội đã vận động được gần 27.600 người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, trong đó: 671 người đã hiến giác mạc, 02 người đã hiến bộ phận cơ thể sau khi qua đời (chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định). Trung ương Hội phối hợp với Trung tâm Hiến tạng quốc gia tập huấn cán bộ Hội về công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người; xây dựng, phát hành gần 1.000 quyển tài liệu và 20.000 tờ rơi về hiến mô, bộ phận cơ thể người tới các cấp Hội và người dân.
Giá trị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân của toàn Hội nhiệm kỳ 2017-2022 đạt trên 3.189 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 40,8 triệu lượt người khó khăn (gấp 1,1 lần về giá trị và gấp 1,85 lần về số người được trợ giúp so với nhiệm kỳ Đại hội IX).
Nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Chữ thập đỏ Việt nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình huống khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh và các sự cố nghiêm trọng), thí điểm triển khai các hoạt động hỗ trợ tâm lý và tư vấn sức khỏe tại cộng đồng; Tăng cường các hoạt động phổ biến kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, phòng chống tai nạn, thương tích và sơ cấp cứu; Xây dựng chương trình và tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu phù hợp với các đối tượng, vùng miền, nhu cầu khác nhau trên cơ sở tài liệu, chương trình huấn luyện sơ cấp cứu do Bộ Y tế phê duyệt; Xây dựng phần mềm huấn luyện sơ cấp cứu để tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu trực tiếp và trực tuyến theo nhu cầu. Tập trung đào tạo đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu ở tất cả các tỉnh, thành Hội trên cơ sở phát triển các tập huấn viên, hướng dẫn viên về phòng ngừa và ứng phó thảm họa đã có.
Tiếp tục tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí ở những địa bàn có nhu cầu, nhất là trong tình huống khẩn cấp, các địa bàn sau thiên tai; củng cố các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo của Hội. Tuyên truyền, hoàn thiện tài liệu và đa dạng hóa các hình thức, các kênh truyền thông về hiến máu, hiến mô, bộ phận cơ thể người; lồng ghép các hoạt động vận động hiến máu với tuyên truyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người; tăng cường vận động hiến máu thành phần (hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương…). Đồng thơi, củng cố, phát triển lực lượng và các đội hình những người hiến máu tình nguyện (Ngân hàng máu sống/Câu lạc bộ hiến máu dự bị, Câu lạc bộ 25, Câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm), đảm bảo đáp ứng đủ nguồn người hiến máu an toàn phục vụ cho cấp cứu và điều trị. Tăng cường tập huấn về hiến máu, hiến mô, bộ phận cơ thể người cho cán bộ, tình nguyện viên của Hội.
Nguyễn Hạnh