Các giáo viên mầm non quận Bình Tân thực hành thao diễn sơ cứu trẻ bị ngạt sữa, hóc dị vật
Hội nghị đã tổ chức giao lưu với các cá nhân điển hình trong công tác sơ cấp cứu. Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, tình nguyện viên sơ cấp cứu Chữ thập đỏ quận Bình Tân đã tham gia công tác hơn 11 năm cho biết: “Sở dĩ tôi chọn hoạt động Sơ cấp cứu vì đây là một hành động nhân đạo, trợ giúp ban đầu những người bị tai nạn ngay tại hiện trường trước khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, hạn chế biến chứng, di chứng của tổn thương”.
Với vai trò là cán bộ phụ trách công tác sơ cấp cứu tại Hội Chữ thập đỏ huyện Cần Giờ, vốn là địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp khi các cơn bão đổ bộ vào TP.Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Kim Hòa tâm sự: “Mỗi năm, Cần Giờ chịu rất nhiều ảnh hưởng của mưa bão nên công tác ứng phó vô cùng quan trọng, ngoài việc phối hợp tuyên truyền thông tin để các tàu thuyền đánh bắt cá neo đậu tránh bão, Huyện Hội cũng tăng cường công tác huấn luyện Sơ cấp cứu trong cộng đồng, để người dân có thể kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh”.
Tham gia buổi giao lưu, ông Trần Văn Tuấn – Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm huấn luyện Sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố đã chia sẻ nhiều kỷ niệm và những ấn tượng sâu sắc trong công tác sơ cấp cứu 19 năm qua, đặc biệt là khi trực tiếp tham gia sơ cấp cứu trong các sự cố đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy tòa nhà ITC, sơ cấp cứu phục vụ SEA Games 2003,… Cũng tại hội nghị, các giáo viên mầm non quận Bình Tân đã thực hiện thao diễn sơ cấp cứu, hướng dẫn cách phòng, chống khi trẻ bị ngạt sữa, hóc dị vật. Đây là những kiến thức cơ bản nhưng vô cùng quan trọng trong công tác nuôi dạy và chăm sóc trẻ hàng ngày.
Hội CTĐ TPHCM trang bị túi Sơ cấp cứu cho 24 quận, huyện
Đồng hành với những hoạt động của Hội Chữ thập đỏ thành phố, nhân kỷ niệm “Ngày sơ cấp cứu thế giới” 2020, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết TP.Hồ Chí Minh đã trao tặng 1 xe chuyên dụng phục vụ huấn luyện sơ cấp cứu và ứng phó thảm họa trị giá hơn 1 tỷ đồng. Dịp này, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã tặng Giấy khen đến 26 gương điển hình tập thể và cá nhân tích cực trong công tác sơ cấp cứu giai đoạn 2019-2020; và trang bị túi sơ cấp cứu cho Đội sơ cấp cứu và ứng phó thảm họa của 24 quận, huyện.
Hiện nay, lực lượng Hướng dẫn viên và Tập huấn viên sơ cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ TP.Hồ Chí Minh là 280 người. Tại mỗi quận, huyện đều có “Đội sơ cấp cứu và ứng phó thảm họa”. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2020, các cấp Hội đã thực hiện được 335 lớp huấn luyện kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho trên 38.000 người, tham gia sơ cứu được 1.160 trường hợp tai nạn, chuyển đến cơ sở Y tế gần 100 trường hợp với tổng giá trị hoạt động tuyên truyền, huấn luyện sơ cấp cứu và phòng ngừa thảm họa trên 1 tỷ đồng.
Ngày Sơ cấp cứu thế giới được tổ chức vào ngày thứ 7 tuần thứ 2 của tháng 9 hàng năm. Ngày Sơ cấp cứu thế giới do Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc phát động lần đầu tiên vào năm 2000 nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong phòng tránh tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng xảy ra hằng ngày hoặc trong các tình huống khẩn cấp. Hàng năm, có khoảng hơn 100 Hội Chữ thập đỏ các quốc gia trên toàn thế giới tham gia kỷ niệm ngày Sơ cấp cứu thế giới. Đến nay, các thành viên trong Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tham gia hưởng ứng với nhiều hoạt động đạt hiệu quả cao.
Hướng Dương