Trong chuyến thăm, Đoàn công tác đã đến thăm rừng ngập mặn tại bãi biển Bình Minh 3 và Điểm sơ cấp cứu xã Cồn Thoi của huyện Kim Sơn. Đây là hai mô hình tiêu biểu của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình trong công tác phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro khi có thảm họa từ thiên nhiên.
Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ nằm trên trục đường liên xã Cồn Thoi.
Hiện nay các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đã thành lập và duy trì được 05 điểm sơ cấp cứu trên địa bàn tỉnh, trong năm 2022 đã sơ cấp cứu được 163 người bị tai nạn giao thông và đuối nước.
Điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ nằm trên trục đường liên xã Cồn Thoi. Đây là một điểm đen được đánh giá là khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông thương tâm; mặt khác khu vực này cũng gần biển, gần sông nên cũng thường xuyên xảy ra đuối nước đối với các cháu học sinh; cơ sở Y tế cách xa, do vậy việc sơ cấp cứu – cứu đuối nước giúp đỡ người không may bị tai nạn rủi ro còn gặp nhiều khó khăn, không được xử lý đúng cách nên nhiều trường hợp nạn nhân lại năng thêm.
Với tấm lòng nhân đạo, nhân văn gia đình bác sỹ Trần Văn Hùng sống ở gần khu vực điểm đen đã tình nguyện cho mượn một gian nhà trên 10 m2 để cứu giúp những người không may bị rủi ro tai nạn; Việc làm đó được nhiều người dân đồng tình ủng hộ và tình nguyện tham gia; đặc biệt được sự quan tâm của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ huyện đã hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thành lập Điểm sơ cấp cứu tại địa bàn với quan điểm tình nguyện để cứu người với trang thiết bị tối thiểu cần thiết gia đình tình nguyện tự túc; có Quyết định cho phép thành lập của Sở Y tế, có quy chế, có biển báo, cờ Chữ thập đỏ, 03 tình nguyện viên được Hội Chữ thập đỏ tỉnh đào tạo Sơ cấp cứu (tình nguyện viên cấp I). Trao đổi với Đoàn công tác, Bác sĩ Trần Văn Hùng phụ trách Điểm sơ cấp cứu chia sẻ: “Mọi việc đều xuất phát từ chữ Tâm, xác định được điều này nên các tình nguyện viên tham gia công việc này rất nhiệt tình, tâm huyết không quản nắng mưa, đêm ngày tình nguyện giúp đỡ những người không may bị rủi ro như chính người thân, ruột thịt của mình”.
Sau khi thành lập Điểm Sơ cấp cứu đã Sơ cấp cứu các trường hợp vết thương phần mềm, băng bó vết thương, sơ cứu gãy xương, sơ cứu chảy máu, sơ cứu bỏng, sơ cứu điện giật, sơ cứu đuối nước, vận chuyển nạn nhân. Bình quân mỗi tháng sơ cấp cứu từ 2 đến 3 trường hợp từ nhẹ đến nặng sau đó chuyển đến cơ sở y tế và báo tin cho gia đình, chính quyền. Từ khi thành lập đến nay đã sơ cứu được 79 trường hợp. Tại điểm, ngoài việc sơ cấp cứu cho nạn nhân ra khi có điều kiện các Tình nguyện viên tranh thủ tuyên truyền cho người dân về Hiến máu tình nguyện; cách phòng chống dịch, đặc biệt khi sảy ra dịch Covid- 19 các tình nguyện viên đã tuyên truyền cho người dân cách phòng chống dịch, rửa tay vệ sinh đúng cách…
Đoàn công tác đã đến thăm rừng ngập mặn tại đê Bình Minh 3. Đoàn đã đi khảo sát, đánh giá những hiệu quả mà rừng ngập mặn đem lại cũng như những khó khăn khi còn số diện tích đất trống chưa có rừng bao phủ. Ông Bùi Trọng Kỳ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình chia sẻ: “Từ khi có rừng ngập mặn, môi trường sinh thái vùng ven biển đã được cải thiện. Các loài thủy hải sản cũng phong phú hơn, toàn bộ diện tích từ bãi ngoài, bãi triều được người dân sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản. Vì thế, đời sống người dân huyện Kim Sơn có nhiều đổi thay. Rừng ngập mặn không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng, hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển phong phú của các quần thể sinh vật cửa sông ven biển, đồng thời là nơi duy trì đa dạng sinh học cho biển. Đặc biệt hệ thống rừng ngập mặn phòng hộ ven biển còn được ví như “bức tường xanh” vững chắc bảo vệ cho toàn bộ tuyến đê trực diện với biển, bảo vệ an toàn cho cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển. Qua thực tế những năm có lũ bão, triều cường, toàn bộ hệ thống đê biển và đê đầm thủy sản của huyện Kim Sơn có rừng che chắn phía ngoài đều được bảo vệ an toàn, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho việc tu bổ, sửa chữa đê, kè cống hàng năm”.
Đoàn công tác thăm rừng ngập mặn tại Đê Bình Minh 3
Trong khuôn khổ của chuyến thăm, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Canada đã có nhiều trao đổi nhằm đẩy nhanh hơn nữa quan hệ của hai nước về công tác Hội và Phong trào Chữ thập đỏ, công tác vận động nguồn lực, công tác phòng ngừa ứng phó với thảm họa, giúp hiện thực các định hướng lớn trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hoà khẳng định: “Trong thời gian qua công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ đều được hai nước quan tâm. Hôm nay khi tiếp cận hai mô hình tại tỉnh Ninh Bình chúng ta thấy rằng các dự án triển khai ở Việt Nam rất thành công. Qua ý kiến phát biểu của ông Conra Sauvé Chủ tịch Chữ thập đỏ Canada chứng tỏ Hội Chữ thập đỏ Canada rất tâm đắc và thấy được hiệu quả của các dự án mà chúng ta triển khai. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đề xuất các dự án để bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai công tác sơ cấp cứu chăm sóc sức khoẻ nhân dân dựa vào cộng đồng trong tương lai gần”.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hoà phát biểu tại buổi làm việc với Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình
Đầu xuân Quý Mão năm 2023 được đón Đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ Canada, bà Yunhong Zhang -Trưởng ban phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhiều hy vọng mới được thắp lên trong tình hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đây là một sự kiện quan trọng để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia và hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ môi trường phòng ngừa thiên tai.
Trịnh Kim Tú