Triển khai từ năm 2008 đến nay, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và các mô hình công tác xã hội nhân đạo đã trở thành các phong trào ý nghĩa, thiết thực và lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Qua đó, nhiều hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp kịp thời, ổn định cuộc sống.
Nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo, khó khăn
Theo ông Dương Đình Diện – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” phát động năm 2008 và được triển khai đến các cấp hội thực hiện. Sau hơn 10 năm, với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên hội các cấp đã tìm ra nhiều địa chỉ nhân đạo để kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ. Trong đó, số địa chỉ được lập hồ sơ là 10.517 địa chỉ; có 113/222 xã, phường, thị trấn lập được hồ sơ, đạt tỷ lệ 51%. Trong số này, đã có 7.389 địa chỉ được trợ giúp (Chữ thập đỏ các cấp đăng ký trợ giúp 1.101 địa chỉ; các tổ chức, cá nhân khác đăng ký trợ giúp 6.288 địa chỉ) với tổng số người được trợ giúp là 17.216 đối tượng; tổng giá trị trợ giúp đạt 24,1 tỷ đồng.
Bàn giao nhà Chữ thập đỏ
Bên cạnh đó, các mô hình nhân đạo khác khi triển khai cũng được các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực, tạo thành những phong trào thiết thực có tính lan tỏa và nhân rộng trong toàn tỉnh như: Mô hình “Thùng gạo tình thương tại cơ sở xay xát”; “Bếp ăn nhân đạo” tại các bệnh viện, Trung tâm Y tế; “Tủ thuốc nhân đạo” tại Trạm y tế xã Tú An- thị xã An Khê; mô hình xây nhà Chữ thập đỏ; Hỗ trợ học bổng thường xuyên cho học sinh nghèo và mô hình Ngân hàng bò. Các mô hình triển khai hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực góp phần trợ giúp kịp thời các đối tượng khó khăn.
Đối với mô hình “Thùng gạo tình thương tại cơ sở xay xát” được triển khai thực hiện từ năm 2012, đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân và triển khai có hiệu quả tại một số đơn vị như huyện Đak Pơ, Đak Đoa, Chư Pah, TP.Pleiku và thị xã An Khê… Đến nay, toàn tỉnh đã thu gom được hơn 61.000 kg gạo (trị giá khoảng 730 triệu đồng) hỗ trợ cho 5.343 hộ khó khăn. Các mô hình “Bếp ăn nhân đạo” tại các cơ sở y tế, từ năm 2008 đến nay đã cấp miễn phí trên 219.000 suất cơm, cháo cho bệnh nhân với tổng trị giá 3,1 tỷ đồng góp phần giúp các bệnh nhân nghèo đang điều trị nội trú tại cơ sở y tế có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, 10 năm qua, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã tiến hành hỗ trợ 1.022 suất học bổng cho các em học sinh từ cấp 1,2,3 và cao đẳng, đại học với tổng trị giá 1,1 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, mô hình Ngân hàng bò đã hỗ trợ được 191 con bò cái sinh sản cho 191 hộ gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá 2 tỷ đồng…
Ấm áp những căn nhà Chữ thập đỏ
Một trong những mô hình triển khai thành công phải kể đến là mô hình “Xây nhà Chữ thập đỏ”. Trong 10 năm (từ năm 2008- 2018), Hội Chữ thập đỏ các cấp đã triển khai xây dựng được 935 căn nhà cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá 24 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ TP.Pleiku là đơn vị đi đầu trong phong trào “Xây nhà Chữ thập đỏ”. Từ năm 2008 đến nay, Hội Chữ Thập đỏ TP.Pleiku đã xây mới, sửa chữa 39 căn nhà với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng.
Bàn giao nhà tình thương Chữ thập đỏ cho gia đình bà Lê Thị Kề
Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà Chữ thập đỏ, gia đình chị Lương Thị Tùng Tiết – thôn 3, xã An Phú, TP.Pleiku đã có được chỗ ở ổn định. Chị Tiết xúc động chia sẻ: Trước đây, gia đình chúng tôi gồm 2 vợ chồng cùng 4 đứa con tá túc trong căn nhà tạm chỉ khoảng 30m2, dột nát, xuống cấp. Mùa nắng thì còn đỡ chứ mùa mưa bão thì cứ canh cánh lo nhà sập. Mỗi lần đi làm thuê mà thấy trời mưa là lại phải tất tả chạy về đưa các con qua nhà nội ở nhờ. Thu nhập đi làm thuê của hai vợ chồng chi tiêu tằn tiện lắm cũng chỉ đủ ăn nên không dám nghĩ đến việc xây nhà. May mắn, năm 2018, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự vận động, kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ TP.Pleiku, gia đình đã được một cá nhân hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà. Nhờ vậy, giờ đây gia đình đã có chỗ ở ổn định. Sắp tới, gia đình còn được địa phương hỗ trợ vốn để mua bò chăn nuôi, có thu nhập tiến tới thoát nghèo…
Cùng niềm vui, gia đình bà Lê Thị Kề ở thôn 5, xã An Phú, TP.Pleiku cũng được hỗ trợ làm nhà. Tháng 5/2019, gia đình bà đã dọn vào căn nhà do Hội Chữ thập đỏ TP.Pleiku xây tặng. Bà Kề cho hay: Gia đình là hộ nghèo không có điều kiện xây nhà. Con gái tôi thì bị ung thư còn cháu nhỏ đang đi học. Thu nhập chủ yếu của cả gia đình từ việc thu gom ve chai, phế liệu hàng ngày chỉ đủ tiền ăn. Được hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà gia đình tôi mừng lắm; cám ơn các cấp, ngành địa phương đã quan tâm giúp chúng tôi có căn nhà ấm áp như hiện tại.
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và các mô hình công tác xã hội nhân đạo sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện trong thời gian đến. Ông Dương Đình Diện – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai cho biết: Tỉnh hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cho các cấp hội điều tra, khảo sát, lập hồ sơ các đối tượng khó khăn cần giúp đỡ, chú trọng các mô hình nhân đạo và cách làm có hiệu quả ở địa phương từ đó nhân rộng ra trên phạm vi toàn tỉnh. Chỉ tiêu cụ thể là từ năm 2017-2020 sẽ lập hồ sơ và giúp đỡ cho 7.000 địa chỉ nhân đạo trên toàn tỉnh góp phần giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Hồng Ngọc