Ban chỉ đạo HMTN tỉnh Đắk Lắk xác định người làm công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động HMTN không chỉ có lòng nhiệt tình, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao, bền bỉ và kiên trì, mà phải được trang bị những kiến thức chuyên môn về máu, được rèn luyện những kỹ năng vận động quần chúng nhằm thay đổi nhận thức chưa đúng của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của việc hiến máu và sợ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi cho máu.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng một số mô hình HMTN như: Huyện Krông Pắc đã lưu lại tất cả số điện thoại của những người tham gia hiến máu; Lập zalo, facebook để đăng tải những hình ảnh người tốt, việc tốt về HMTN và tiếp tục mời họ hiến máu nhắc lại của các lần tiếp theo. Đối với huyện Ea Kar, Hội Chữ thập đỏ huyện cùng với cán bộ Chữ thập đỏ xã, thị trấn đến từng hộ gia đình để vận động, kêu gọi từng thành viên đủ 18 tuổi trở lên trong hộ gia đình tham gia HMTN.
Chủ nhật Đỏ 2021 đã trở thành Ngày hội hiến máu của bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Ea Kar, Đắk Lắk.
Những năm gần đây, Đắk Lắk đã tổ chức thành công những sự kiện lớn về hiến máu như : Chiến dịch những giọt máu Hồng hè và Chương trình ”Hành trình Đỏ”, ngày “Chủ nhật Đỏ”. Đặc biệt Hành trình đỏ năm 2017, tỉnh Đắk Lắk tổ chức tại đơn vị huyện cách trung tâm thành phố gần 60km, lượng máu tiếp nhận được gần 3.000 đơn vị máu đứng sau Thủ đô Hà Nội. Phong trào HMTN đã lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, nhận thức của người dân về hiến máu cứu người từng bước được nâng lên một cách rõ rệt. Trước đây đối tượng tham gia HMTN chủ yếu là lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên các trường và đến nay đã phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân từ thanh niên nông thôn, cán bộ, công nhân viên, lực lượng vũ trang, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số ít người, người lớn tuổi cũng tích cực tham gia phong trào hiến máu.
Lực lượng tham gia hiến máu đã phát triển rộng khắp.
Ông Võ Ngọc Báu (60 tuổi, thôn 3, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã 22 lần hiến máu bộc bạch: “Không có tiền, mình giúp đồng bào bằng giọt máu, đó cũng là việc thiện. Từ vài người, nay thôn 3-nơi ông sống đã có hơn 50 người đi hiến máu. Ông Báu nhớ nhất đợt cả 3 cha con cho máu cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk (nay Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên) vào năm 2016. “Lúc ấy tầm trưa, tôi nhận được cuộc gọi của người nhà nạn nhân (cùng xã Ea Kmút) bị tai nạn, cần máu mổ gấp. Tôi chạy từ rẫy về nhà, gọi cả con trai, con dâu đi. Nạn nhân được cứu sống, gia đình có thêm 1 người thân”.
Nhờ tinh thần ”Sẻ giọt máu đào, trao đời hy vọng” của rất nhiều người dân, trong đó có nhiều đồng bào các dân tộc hăng hái tham gia hiến máu như ông Báu mà từ năm 2008 cho đến nay lượng máu tiếp nhận ở Đắk Lắk luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, đảm bảo đủ máu cho nhu cầu cấp cứu và điều trị của các Bệnh viện trong tỉnh và không còn người cho máu lấy tiền. Chỉ tính riêng trong 5 năm (2015-2019) số lượng máu tiếp nhận được gần 100.000 đơn vị. Năm 2020, toàn tỉnh tiếp nhận gần 22.000 đơn vị máu, tương đương với 1,2% dân số hiến máu.
Ngay từ đầu năm 2021, Chương trình Chủ nhật Đỏ đã được tỉnh tổ chức tại 5 điểm: Trường Đại học Tây Nguyên , Công an tỉnh Đắk Lắk, huyện M’đrắk, huyện Cư M’gar và huyện Ea Kar đã thu hút hàng nghìn người tham gia hiến máu, thu về hơn 3.000 đơn vị máu, cao hơn rất nhiều so với Chủ nhật Đỏ năm 2020.
Máu của đồng bào Kinh có thể truyền cho đồng bào Êđê, máu của đồng bào Êđê có thể truyền cho đồng bào Tày, Thái… Điều đó đã thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Thúy Hà