Dự hội nghị có bà Huỳnh Thị Xuân Lam – Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam; bà Lê Thị Thu Hồng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch danh dự Hội CTĐ tỉnh; cùng lãnh đạo Hội CTĐ các tỉnh trong cụm thi đua và khách mời.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Cụm thi đua các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc gồm 7 tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Yên Bái và Phú Thọ. Năm 2022, Cụm thi đua có nhiều đổi mới trong công tác Hội và phong trào CTĐ. Các hoạt động, phong trào đa dạng, hướng về cơ sở, thiết thực đã thu hút cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, tổ chức, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tham gia.
Đến nay, toàn cụm có gần 1,5 nghìn tổ chức Hội cơ sở, hơn 15 nghìn chi hội với gần 380 nghìn Hội viên cá nhân, 31 hội viên tập thể. Thực hiện công tác nhân đạo, năm 2022, các tỉnh trong cụm đã vận động, trợ giúp thường xuyên, đột xuất hơn 622 nghìn lượt hoàn cảnh khó khăn, tai nạn với số tiền hơn 260 tỷ đồng.
Lê Thị Thu Hồng – Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại hội nghị.
Là một thành viên trong Cụm thi đua, Hội CTĐ tỉnh Bắc Giang đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội và cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn kết, gương mẫu, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và xây dựng tổ chức hội vững mạnh; góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT – XH địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Thu Hồng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang khẳng định vị trí quan trọng, vai trò nòng cốt của tổ chức Hội CTĐ trong kết nối, triển khai hoạt động nhân đạo.
Dự báo thời gian tới, công tác Hội sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức do tác động của thiên tai, dịch bệnh, mặt trái của kinh tế thị trường… đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động nhân đạo.
Bà Lê Thị Thu Hồng mong muốn thời gian tới, các cấp Hội CTĐ trong Cụm thi đua tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đoàn kết, vượt qua khó khăn để hoạt động nhân đạo trong Cụm thi đua nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng ngày càng phát triển. “Để làm được điều này, đề nghị đại biểu các tỉnh, TP trong Cụm nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình, kết quả công tác trong năm qua. Đồng thời quán triệt, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và thời gian tiếp theo”, bà Hồng nhấn mạnh.
Bà Huỳnh Thị Xuân Lam – Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam giải đáp kiến nghị của đại biểu.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác CTĐ, bà Huỳnh Thị Xuân Lam đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các hoạt động, phong trào CTĐ, đặc biệt là Phong trào Tết Nhân ái năm 2023.
Tại nội dung thảo luận, đại diện lãnh đạo Hội CTĐ các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, TP Hà Nội đã chia sẻ về các kinh nghiệm để triển khai hiệu quả các chương trình nhân đạo, cách thức xây dựng và nhân rộng các mô hình CTĐ điểm. Đồng thời, đề nghị Trung ương Hội xem xét, kiến nghị với các bộ, ngành, Ban Bí thư điều chỉnh, sửa đổi một số văn bản phù hợp với tình hình, bảo đảm công tác cán bộ.
Một số ý kiến cho rằng việc giao chỉ tiêu cần sát với thực tiễn các tỉnh, không nên cào bằng, không nên giao quá cao cho những tỉnh khó khăn, nguồn lực hạn chế. Bên cạnh đó, chế độ cho cán bộ cơ sở còn hạn hẹp, chưa được quan tâm dẫn tới tình trạng hoạt động cầm chừng, qua loa.
Bà Huỳnh Thị Xuân Lam tiếp thu các kiến nghị và sẽ chuyển tới các ban chuyên môn xem xét, trả lời sau hội nghị. Đối với chế độ dành cho cán bộ Hội các cấp, hiện nay, Trung ương Hội đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch trình Ban Bí thư, Bộ Nội vụ. Về nội dung hỗ trợ vay vốn, Trung ương Hội sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai.
Phát biểu tại hội nghị, bà Huỳnh Thị Xuân Lam – Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp của các tỉnh trong Cụm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Để hoạt động của Cụm ngày càng phát triển, vai trò, trách nhiệm của cụm trưởng cần được phát huy tốt; khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Hội và phong trào CTĐ trong tình hình mới.
Năm 2023, Cụm thi đua tiếp tục phát triển tổ chức Hội, thực hiện hiệu quả các phong trào, công tác nhân đạo, phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân dựa vào cộng đồng và vận động hiến máu tình nguyện. Một số địa phương đăng ký xây dựng mô hình điểm, mẫu như: Tỉnh Bắc Giang với mô hình “Phát triển điểm, trạm sơ cứu CTĐ” và “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; tỉnh Hoà Bình với mô hình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”; tỉnh Phú Thọ xây dựng mô hình “Hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế gia đình hội viên nghèo”…
Hội nghị cũng suy tôn các danh hiệu thi đua năm 2022; biểu quyết thông qua quy chế hoạt của Cụm và giao nhiệm vụ đăng cai giao ban công tác Hội năm 2023 cho Hội CTĐ tỉnh Phú Thọ.
PV