Bộ Y tế và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Triển khai nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả

31/10/2023 - 05:10

Ngày 4/5, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về Chương trình phối hợp giữa hai bên trong thời gian tới. Cùng dự có ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, đại điện lãnh đạo các ban, đơn vị của Trung ương Hội và Bộ Y tế.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Những năm qua, Bộ Y tế tham gia tích cực và ủng hộ Hội CTĐ Việt Nam trong việc ban hành Luật hoạt động CTĐ. Đặc biệt, trong Luật hoạt động Chữ thập đỏ quy định 7 hoạt động trọng tâm có 3 hoạt động liên quan tới ngành y tế: chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu và hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác.

Bộ Y tế là đơn vị đã chủ động, tích cực phối hợp để ban hành 3 Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 03/2011/NĐ-CP ngày 07/01/2011 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hoạt động chữ thập: Thông tư số 04/2014/TT-BYT ngày 06/02/2014 Quy định điều kiện hoạt động, thủ tục thành lập các cơ sở hiến máu chữ thập đỏ; Thông tư số 17/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 Quy định việc cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ và việc huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ; Thông tư số 30/2014/TT-BYT ngày 28/8/2014 Quy định về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.

Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký kết Nghị Quyết liên tịch phối hợp thực hiện các định hướng chiến lược về chăm sóc sức khỏe nhân dân từ năm 1999. Đây là Chương trình phối hợp giữa 2 đơn vị có thời gian lâu nhất, hiệu quả nhất trong 35 chương trình phối hợp với các tổ chức, đơn vị thông qua các hoạt động hiệu quả khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, sơ cấp cứu, HMTN….

Sau 10 năm thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện đã có sự chuyển biến tích cực, từng bước đảm bảo đủ máu và chế phẩm máu có chất lượng cao phục vụ công tác cấp cứu và điều trị, nhiều người bệnh đã được cứu chữa từ những giọt máu tình nguyện. Toàn quốc đã tiếp nhận hơn 9,2 triệu đơn vị máu. Lượng máu thu được năm sau luôn cao hơn năm trước cả về số lượng và chất lượng: từ hơn 500 ngàn đơn vị (năm 2008) tăng lên gần 1,5 triệu đơn vị (năm 2017);tỷ lệ hiến máu tình nguyệntừ 71% tăng lên trên 98%; tỷ lệ dân số tham gia hiến máu từ hơn 0,6% tăng lên gần 1,6%; lượng máu vận động và tiếp nhận được hàng năm đã góp phần cứu chữa hàng triệu bệnh nhân, không để xảy ra thiếu máu trầm trọng như trước đây, đặc biệt là vào dịp hè và dịp Tết.

Trong lĩnh vực tuyên truyền hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người và hiến xác, hai bên đã phối hợp xây dựng mạng lưới tình nguyện viên tuyên truyền vận động hiến tặng mô, tạng trên cơ sở hệ thống mạng lưới tình nguyện viên Hội chữ thập đỏ Việt Nam tham gia tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện. Tính đến đầu năm 2017, đã vận động được gần 50.000 người đăng ký hiến giác mạc, 2.788 người đăng ký hiến xác, 148 người đã hiến giác mạc sau khi qua đời,…

Sau 4 năm triển khai Chương trình “Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, Chương trình đã tổ chức 13.449 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 6.041.923 lượt người, trị giá tiền thuốc hơn 525 tỷ đồng; đồng thời đã tổ chức 11.362 đợt tư vấn sức khỏe cho gần 3 triệu người, tặng hơn 3,1 triệu suất quà cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, trị giá hơn 448 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chương trình phối hợp vẫn còn gặp một số khó khăn như trong quá trình thực hiện việc triển khai Thông tư số 17/2014/TT-BYT quy định về việc cấp phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu CTĐ và việc huấn luyện sơ cấp cứu CTĐ gặp một số khó khăn vướng mắc; chính sách của nhà nước đối với các Hội nói chung, giữa ngành Y tế với Hội CTĐ Việt Nam nói riêng ít (chính sách cán bộ, ngân sách hoạt động, điều kiện, phương tiện hoạt động…); phong trào vận động HMTNphát triển chưa bền vững, mới chỉ tập trung vào những thời điểm nhất định.

Tại buổi làm việc các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận để công tác phối hợp giữa Bộ Y tế và Trung ương Hội CTĐ Việt Nam trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hiện tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới. Trong đó, có dự kiến xây dựng một số đề án trình Thủ tướng phê duyệt.. Đề xuất về chương trình phối hợp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Trần Quốc Hùng bày tỏ mong muốn được phối hợp, hợp tác và hỗ trợ của Bộ Y tế về chuyên gia, kỹ thuật, nguồn lực để xây dựng các đề án trình Chính phủ phê duyệt tổ chức triển khai như: “Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống tai nạn thương tích, nhất là tai nạn giao thông, đuối nước”, “Nâng cao năng lực hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng”, “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và các đối tượng dễ bị tổn thương tại trung tâm và cộng đồng”, “Truyền thông phòng, chống bệnh không lây nhiễm”, “Phát triển và thành lập các điểm hiến máu cố định và Trung tâm máu Chữ thập đỏ”, “Bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ”. Đây là những thế mạnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và chỉ duy nhất Hội có khả năng thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ này. Mặt khác, đây là những vấn đề nóng, đang nổi lên trong xã hội, nếu làm tốt những nội dung này sẽ góp phần làm xã hội bình ổn, đạo đức xã hội được tăng cường, giảm tỷ lệ tử vong, giảm gánh nặng xã hội do những người tàn phế vì tai nạn thương tích đem lại, kéo dài tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống và sức khỏe nhân dân. Hơn nữa, những nội dung này đã được quy định trong Luật hoạt động chữ thập đỏ và Nghị định số 03 của Chính phủ cũng như Thông tư của Bộ Y tế và sẽ được xác định là nhiệm vụ đặc thù Nhà nước giao Hội Chữ thập đỏ thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ Trưởng Bộ Y tế và bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đã thống nhất các nội dung hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới: Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô, tạng, sơ cấp cứu ban đầu và khám, chữa bệnh nhân đạo, trong đó xem xét lập thêm các điểm hiến máu cố định; đáp ứng tình huống khẩn cấp, đảm bảo chăm sóc sức khỏe trong các tình huống thiên tai; tham gia phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm; bảo vệ biểu tượng; xem xét xây dựng đề án hoạt động truyền thông chung cho các lĩnh vực.

Quỳnh Anh. Ảnh: Hồng Loan

Tin liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *