Thiên tai diễn ra càng ngày càng phức tạp do biến đối khí hậu gây ra và hàng năm thiệt hại, mất mát vẫn diễn ra trên dải đất miền Trung ruột thịt, nhưng đứng trước đau thương, mất mát, thái độ tiếp nhận của chính quyền địa phương và người dân ngày hôm nay đã rất khác.
Trên thực tế, khu vực đô thị với vấn đề tăng dân số, dân di cư và đô thị hóa nhanh chóng cũng đủ làm gia tăng rủi ro thảm họa và dự kiến sẽ phức tạp hơn do vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây cũng là khu vực chịu rất nhiều rủi ro thiên tai và người dân, chính quyền thậm chí dễ bị tổn thương hơn cả khu vực nông thôn. Do đó, Dự án đã có sự chuyển dịch từ khu vực nông thôn sang khu vực đô thị.
Chính vì vậy, không chỉ tại khu vực nông thôn mà ngay tại khu vực đô thị, nhận thức, tư duy của chính quyền và người dân về thiên tai thảm họa đã có nhiều thay đổi rõ nét, từ thụ động sang chủ động tiếp nhận, luôn theo dõi và cập nhật thông tin thường xuyên, đầy đủ.
Đóng góp vào sự thay đổi tích cực trong tư duy đó, chính là nhờ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại khu vực miền Trung Việt Nam” do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với sự chung tay, góp sức của Liên minh 5 đối tác gồm: Hội Chữ thập đỏ Mỹ/Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổ chức Catholic Relief Services, Plan International, Save the Children và HelpAge International tại Việt Nam, trong đó Hội Chữ thập đỏ Mỹ đóng vai trò điều phối. Dựa trên lợi thế của mỗi tổ chức, sáng kiến hợp tác theo mô hình liên minh của USAID rất phù hợp và giải quyết được bài toán thiếu nguồn lực và trang thiết bị. Từ đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc giải quyết nhu cầu của nhiều nhóm bị tổn thương.
Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng dễ bị tổn thương, chính quyền địa phương nâng cao khả năng chống chịu các rủi ro thiên tai, giảm nguy cơ thiệt hại về người và tài sản do các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại khu vực miền Trung Việt Nam” có sự chuyển dịch trọng tâm sang quản lý rủi ro thảm họa từ nông thôn sang khu vực đô thị.
Sự dịch chuyển này là hợp lý vì thực tế là quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực đô thị Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ trứng nước và vị trí thuận lợi của Hội chữ Thập đỏ VN, có mạng lưới văn phòng cấp tỉnh tại các thành phố lớn, sẽ hỗ trợ với chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này. Do đó, chương trình nhằm tăng khả năng phục hồi và năng lực cho các cộng đồng dễ bị thảm họa cũng như năng lực quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng cho Hội chữ Thập đỏ Việt Nam.
Chính vì vậy, Dự án đã bổ sung những lỗ hổng mà Chương trình quốc gia về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng chưa bao phủ đến, bao gồm truyền thông về biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, hòa nhập người khuyết tật, giới, giáo dục và an toàn trường học trước thiên tai. Đồng thời, đóng góp vào nhiệm vụ của USAID trong ứng cứu mạng sống con người; bảo vệ sinh kế, tài sản, cơ sở hạ tầng trước, trong và sau thiên tai; và tăng khả năng phục hồi của cộng đồng đối với các hiểm họa thường xuyên
Dự án xây dựng Mô hình can thiệp với 3 hợp phần chính
+ Mô hình vận động chính sách: Liên minh phối hợp với Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hướng dẫn công tác quản lý rủi ro thiên tai khu vực đô thị, đào tạo tập huấn viên, tập huấn cho nhóm hỗ trợ kỹ thuật và đánh giá rủi ro thiên tai, lập kế hoạch phòng chống thiên tai…; phối hợp với Bộ/Sở Kế hoạch và đầu tư tập huấn phổ biến thông tư 05 của Bộ KHĐT, tập huấn kỹ năng lồng ghép, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai khung trường học an toàn. Đồng thời, phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp tổ chức các chương trình tập huấn, hội nghị, diễn tập..., xây dựng các công trình giảm thiểu rủi ro. Các đối tác của Liên minh sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương lồng ghép kết quả từ các báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRA) vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, tìm kiếm nguồn nội lực để thực hiện kế hoạch đã xây dựng
+ Mô hình can thiệp tại cộng đồng: chủ yếu hướng tới người dân thông qua việc thay đổi nhận thức và trang bị kĩ năng phòng chống, đối phó với rủi ro do thiên tai. Tại địa phương, các đội ứng phó cộng đồng đã được thành lập, được tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cứu hộ cứu nạn, sơ cấp cứu, được huy động khi có trường hợp thảm họa xảy ra.
+ Mô hình Trường học an toàn: hướng tới học sinh và giáo viên, dự án xây dựng mô hình trường học an toàn thông qua những khóa tập huấn về an toàn trường học cho Ban giám hiệu, giáo viên, kiến thức phòng ngừa thảm họa cho học sinh trường tiểu học.
Tiểu phẩm về giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong trường học đã được các em học sinh trường tiểu học Hương An, Quế Sơn, Quảng Nam trình diễn nhiều lần không chỉ tại nhà trường mà còn tham gia các hội thi và các đợt tuyên truyền, tổng kết dự án tại Quảng Nam. Mỗi lần tham gia đóng tiểu phẩm không chỉ tạo sự hứng thú cho các em mà còn là dịp để các em tự trang bị những kiến thức cơ bản về phòng chống thiên tai rủi ro cũng như có thêm kỹ năng sống, có tình yêu thương, sẵn sàng cứu giúp mọi người khi thiên tai thảm họa xảy ra.
Bên cạnh việc xây dựng mô hình, dự án còn phối hợp xây dựng tài liệu hướng dẫn quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng khu vực đô thị, an toàn trường học, hỗ trợ nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, mua sắm trang thiết bị cứu hộ cứu nạn trang bị cho đội ứng phó khẩn cấp các cấp, cho các tổ dân phố có nguy cơ cao, các trường học, đem lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng
Đặc biệt, dự án đã xây dựng mô hình bể bơi, dạy bơi, truyền thông phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, điều mà trước đây chưa từng có.
Với mong muốn đạt hiệu quả tốt nhất và có tính lan tỏa sâu rộng, dự án đã ứng dụng khoa học công nghệ vào nhiều mặt hoạt động. Thay vì người dân vẽ bản đồ thủ công khu vực nông thôn như trước đây, đến nay, bản đồ rủi ro, hiểm hoạ đã được lập thông qua phần mềm OpenStreetMap và hệ thống định vị toàn cầu vô cùng chính xác. Nhằm tăng hiệu quả truyền thông trên facebook, trang facebook "Quản lý rủi ro thiên tai khu vực đô thị" đã được thành lập với 429 thành viên và hàng nghìn lượt truy cập mỗi ngày, cập nhật, đăng tải kịp thời các hoạt động của dự án.Trang facebook này còn được mở rộng tới các đối tác, các tổ chức phi chính phủ/chính phủ làm việc về lĩnh vực giảm thiểu rủi ro khu vực đô thị.
Sau gần 3 năm triển khai dự án "Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại khu vực miền Trung Việt Nam”, liên minh 5 đối tác đã thể hiện được rõ vai trò của mình, giúp cho dự án đạt được những kết quả tích cực trên cả 3 mục tiêu: Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho chính quyền địa phương, cho cộng đồng và cho trường học.
Với ngân sách 4.038.550 USD, tính đến hết tháng 6/2018, dự án đã đạt được một số kết quả nổi bật:
- 673.952 người hưởng lợi dự án
- 61 xã/phường hưởng lợi với 2717 cán bộ chính quyền địa phương được tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai.
- 176 lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương và người dân với 9.939 người dân tham gia.
- 57 cuộc đánh giá Rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng với 15.035 người dân tham gia.
- 2.545 học sinh được tập huấn về Phòng ngừa thảm họa
- 19 số cuộc diễn tập đã được tổ chức tại các địa phương
Trong đó, hoạt động của giai đoạn 1 chủ yếu hướng tới trang bị kiến thức, kỹ năng và công cụ cho các đối tượng hưởng lợi, thông qua các hội thảo, các khóa tập huấn, diễn tập...Giai đoạn 2, hoạt động chủ yếu tập trung vào vận động chính sách và tài liệu hóa những kinh nghiệm đã được đúc rút từ giai đoạn 1 với 3 lĩnh vực:
+Ban hành tài liệu báo cáo khuyến nghị quản lý/ đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng khu vực đô thị góp phần điều chỉnh đề án 1002 của Chính phủ
+ Ban hành tài liệu báo cáo khuyến nghị về lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội góp phần điều chỉnh Thông tư 05 ngày 6/6/2016 của Bộ kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn điều chỉnh lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
+ Ban hành tài liệu báo cáo khuyến nghị về Trường học an toàn góp phần điều chỉnh hướng dẫn về khung trường học an toàn với Bộ Giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, thông qua dự án, Hội chữ Thập đỏ Việt Nam cùng các đối tác đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu như:
+ Đánh giá cao sáng kiến mô hình hợp tác mới của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ, là các tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong quản lý rủi ro thiên tai/thích ứng biến đổi khí hậu; có nhiều điểm mạnh, kinh nghiệm có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong quá trình thực hiện dự án; liên kết tạo hiệu ứng lan tỏa tại các địa bàn dự án; đa dạng trong các hoạt động, lĩnh vực và địa bàn can thiệp
+ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có mạng lưới/tổ chức Hội các cấp, có lực lượng tập huấn viên, đánh giá viên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng ngừa thảm họa; đã hỗ trợ tích cực các đối tác trong Liên minh triển khai một số hợp phần của dự án
+ Với sự tham gia của các đối tác trong Liên minh và đối tác của Liên minh tại địa phương để chia sẻ kinh nghiệm trong trong tập huấn/đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng khu vực đô thị/ hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, rút kinh nghiệm
Niềm vui, hạnh phúc lại tiếp tục hiện hữu trong cuộc sống của mỗi người dân miền Trung. Với kiến thức và kỹ năng đã được bồi đắp từ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại khu vực miền Trung Việt Nam", họ trở thành những chiến binh ngoan cường, chủ động và bình thản chiến đấu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Từ đau thương mất mát, sự sống luôn được hồi sinh và phát triển. Đó chính là thành công lớn nhất mà dự án đã mang lại, từ đó góp phần kiến tạo nên một cuộc sống an toàn, bền vững hơn trên dải đất miền Trung đầy nắng, gió và thiên tai. Cho ngày hôm nay và cho mai sau…
![]() |
Anh Al Panico, Trưởng đại diện Hội CTĐ Mỹ tại Việt Nam cùng Ban QLDA Trung ương Hội rất tâm đắc với Bản đồ hiểm họa đã được số hóa. |
![]() |
Anh Jonathan Baker, Cán bộ USAID trao đổi với Lãnh đạo Tp. Hội An về tình hình thiên tai tại địa bàn. |
Nguyễn Vĩnh Hòa