Rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ trồng cần được chuyển giao quyền quản lý cho Hội nhằm duy trì, phát triển bền vững diện tích rừng đã trồng. Đây là nội dung chính được đề cập trong buổi làm việc của Đoàn công tác Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Hội Chữ thập đỏ các cấp của tỉnh Thanh Hóa với lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Thanh Hóa ngày 25/7/2017.
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu phát biểu tại buổi làm việc
Chủ trì buổi làm việc có Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Sinh thái rừng và Môi trường, Vụ Phát triển rừng, Văn phòng điều phối Nông thôn mới, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Thanh Hóa.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về công tác phối hợp giữa chính quyền và Hội Chữ thập đỏ trong phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới; phương thức quản lý nhằm duy trì, phát triển bền vững diện tích rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trồng, triển khai mô hình du lịch sinh thái rừng ngập mặn, sinh kế bền vững gắn với biển - rừng; các cơ hội phối hợp và triển khai các mô hình thí điểm trong công tác phòng chống thiên tai, trồng rừng phòng hộ và xây dựng nông thôn mới.
Kể từ năm 1997-2015, Dự án “Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro thảm họa” được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tại 6 xã: Nga Tân, Nga Thủy (huyện Nga Sơn), Đa Lộc, Hải Lộc (huyện Hậu Lộc), Hoằng Châu, Hoằng Phong (huyện Hoằng Hóa) với sự tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản. Đến nay, Thanh Hoá hiện còn hơn 543 ha rừng phát triển tốt. Hiệu quả của rừng được khẳng định qua các trận bão, lũ. Những nơi có rừng thì đê biển và các bờ đầm nuôi trồng hải sản được giữ vững; người dân thu hoa lợi, đánh bắt giống cua giống tại các rừng mỗi ngày trung bình 1 người bán cua con được khoảng 200 nghìn đến 300 nghìn đồng trong mùa sinh sản của cua. Bên cạnh đó, trên các cánh rừng ngập mặn, mỗi năm người dân thu được hàng tấn mật ong từ hoa của cây ngập mặn; một số địa phương như Hoằng Châu đã phát triển thêm mô hình nuôi dê, vịt trong khu rừng ngập mặn. Cây bần chua hầu hết hiện nay có chiều cao khoảng 10-12 mét, tán/rễ thở rộng cũng tương đương với chiều cao của cây và đã tự tái sinh tại chỗ.
Trong thời gian 36 tháng từ khi trồng, Hội Chữ thập đỏ đã hỗ trợ các địa phương kinh phí chăm sóc bảo vệ. Tuy nhiên, sau đó không có kinh phí này nữa thì rừng được giao lại cho địa phương quản lý và hỗ trợ tiền bảo vệ, chăm sóc rừng theo quy định của các cơ quan chức năng và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó, kinh phí bảo vệ rừng ngập mặn của các đơn vị có những cơ chế khác nhau. Có xã trích từ ngân sách hàng năm để hỗ trợ cho cácnhóm/đội bảo vệ rừng, có xã gắn việc chăm sóc, bảo vệ rừng với các hộ nuôi trồng thủy sản có diện tích rừng phía ngoài….Về đa số thì diện tích rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ trồng chưa được cấp kinh phí từ nguồnbảo vệ rừng của tỉnh đến trực tiếp cho các xã có rừng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện và có phương thức quản lý phù hợp nhằm duy trì, phát triển bền vững diện tích rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trồng, triển khai mô hình du lịch sinh thái rừng ngập mặn, sinh kế bền vững gắn với biển - rừng; đồng thời chỉ đạo ký kết và triển khai điểm các hoạt động tại Bản Ghi nhớ số 2370GN/BNN-TƯHCTĐ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong phối hợp công tác phòng chống thiên tai, trồng rừng phòng hộ và xây dựng nông thôn mới tại cấp tỉnh. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị lãnh đạo Bộ tạo điều kiện để các tỉnh Dự án của Hội, trong đó có Thanh Hóa tham gia các nội dung phù hợp thuộc Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu theo cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế; phối hợp triển khai dự án “Tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững các diện tích rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trồng” và phối hợp chỉ đạo xây dựng mô hình “cộng đồng an toàn” lồng ghép các hoạt động phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ ngư dân nghèo, triển khai thí điểm tại Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ phát triển rừng ngập mặn, phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới. Trước những khó khăn, bất cập trong việc giao quyền quản lý rừng ngập mặn được quy định trong Luật phát triển rừng, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có sự thống nhất, tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng ngập mặn do Hội trồng, từ đó tạo điều kiện để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, sinh kế bền vững.
Sáng cùng ngày, các đại biểu đã đi thăm Rừng ngập mặn tại xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn và trao 02 suất quà cho 02 gia đình thương binh hạng 1/4 và 3/4 tại xã Nga Thủy, mỗi suất trị giá 1.200.000 đồng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7).
Đoàn công tác thăm rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ trồng tại xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn
Quỳnh Anh