MS: 92
---------------
Nguời ta thường nói, Sài Gòn là nơi đong đầy tình yêu thương, giữa những mùa mưa và mùa nắng yên bình. Nhiều người ví nơi đây như mảnh đất tình người, duyên dáng bên dòng sông Sài Gòn qua thời gian.
MS: 92
---------------
Nguời ta thường nói, Sài Gòn là nơi đong đầy tình yêu thương, giữa những mùa mưa và mùa nắng yên bình. Nhiều người ví nơi đây như mảnh đất tình người, duyên dáng bên dòng sông Sài Gòn qua thời gian.
Người dân ở đây rất khác! Dường như cái chất “nghĩa tình” đã len lỏi vào trong trái tim, trong mỗi suy nghĩ và hành động của bà con cô bác. Bởi với họ, giúp một chút có gì đâu, rồi biết đâu giữa dòng đời ta lại có thêm một người bạn, hay đơn giản là mỉm cười chào nhau cho đời thêm vui.
Tôi còn nhớ như in những năm đầu bước vào trường đại học, khi ấy nhà tôi còn nghèo lắm, một tuần chỉ được 100.000 đồng để đi học, nào là ăn cơm, mua tập, bút, photo đề cương để học tập. Vì vậy, với một bữa ăn trưa từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng đối với tôi là một bữa ăn xa xỉ. Tình cờ tôi biết được Quán cơm “Nụ cười” trên đường tôi đi học mỗi ngày. Tại đây mỗi phần cơm được bán ra chỉ có 2.000 đồng. Hôm ấy tôi quyết định vào quán xin mua cơm ăn. Các cô chú ở đây rất nhiệt tình, đa phần là người lớn tuổi nhưng các cô chú làm việc rất nhanh nhẹn, người nào việc nấy. Người thì bán phiếu, người bới cơm, người cho thức ăn, người múc canh, công việc cực nhọc là thế nhưng trên môi lúc nào cũng nở nụ cười rất tươi.
Những bữa ăn được chuẩn bị chu đáo của Quán cơm “Nụ cười”
Ăn được 2, 3 hôm, tôi quyết định tranh thủ đi học sớm để giúp đỡ cô chú một phần nào công việc. Tôi phụ nhặt rau, rửa rau, lau dọn bàn sạch sẽ để chuẩn bị cho mọi người đến ăn. Quán cơm bắt đầu mở cửa từ 10 giờ 30 phút và kết thúc lúc 12 giờ 30 phút. Khách đến ăn tại quán đa phần là các cô chú có thu nhập thấp: Người thì bán vé số, người thì lượm ve chai, người thì chạy xe ôm bên cạnh đó cũng có một vài bạn sinh viên như tôi.
Mỗi ngày quán phục vụ được 400 đến 500 suất cơm cho mọi người. Tuy nhiên cũng có một số người đến sau hết phần cơm thì quán sẽ linh động phục vụ cho họ mì gói thịt bằm, để các cô chú không phải để bụng đói đi về.
Sau khi tìm hiểu tôi biết được Quán cơm “Nụ cười” này là do ông Nguyễn Minh Lộc (Nam Đồng - nguyên Tổng Biên tập Báo Pháp Luật thành phố) sáng lập ra nhằm giúp đỡ những người có thu nhập thấp có được bữa ăn no.
Ông kể lại, những ngày đầu mở Quán cơm “Nụ Cười 1” nhiều gian nan, vất vả lắm. Lúc ấy phải huy động những người thân thiết tới phụ giúp dọn dẹp, chà rửa bàn ghế, trang trí sao cho bắt mắt để ấn tượng với “thượng đế” ngày khai trương. Nhiều người lúc đầu hay hỏi ông vì sao không cho miễn phí mà lại bán với giá 2000 đồng thì ông Nam Đồng chia sẻ: “Lấy nhiều tiền thì không có ý nghĩa phục vụ người thu nhập thấp được, mà không lấy tiền thì giống như là bố thí vậy, làm cho người ăn có cảm giác mặc cảm. Bởi vậy quán mới có giá 2.000 đồng, một số tiền để người ăn không có mặc cảm. Họ là khách hàng, họ bỏ tiền ra mua cơm và được phục vụ”. Ngay ngày đầu, bà con đến rất đông, hôm sau khách đông hơn trước. Nhiều người thấy Quán cơm “Nụ cười” mở ra rất có ý nghĩa nên đã chung tay góp một chút gì đó cho quán để có thêm kinh phí hoạt động, nâng cao chất lượng bữa ăn cho người dân. Tôi nghe kể, hôm đó có một anh thanh niên anh mặc rất lịch sự vào quán mua một suất ăn, sau khi ăn xong anh còn ủng hộ lại cho quán 10 triệu đồng. Tiếng thơm lan dần, giới văn nghệ sỹ cũng đến ăn và ủng hộ ngày càng đông... Cho đến nay ông đã mở được 6 chi nhánh cho Quán cơm ”Nụ cười”.
Địa chỉ chuỗi Quán cơm “Nụ Cười”: Nụ Cười 1- số 6 Cống Quỳnh, quận 1; Nụ Cười 2- số 901 Âu Cơ, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú; Nụ Cười 3- số 1276 Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7; Nụ Cười 4- số 148 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4; Nụ Cười 6- số 63C Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh; Nụ Cười 7- số 264 Vĩnh Viễn, phường 4, quận 10.
Sau một năm ăn uống và làm tình nguyện viên tại Quán cơm “Nụ cười”, tôi bắt đầu bước vào năm 2 đại học, lịch học dày đặc hơn, ban đêm phải đi làm phục vụ kiếm thêm nên tôi cũng ít ghé quán dần. Bên cạnh đó mình cũng suy nghĩ để dành suất cơm ấy cho người khó khăn hơn. Hôm nào được nghỉ tôi cũng hay ghé quán để phụ giúp cô chú, thỉnh thoảng tôi ủng hộ quán cơm khi thì thùng mì tôm, khi thì 5 ký gạo. Tôi mong rằng Quán cơm “Nụ cười” sẽ ngày càng được lan rộng để giúp đỡ được phần nào khó khăn cho những người còn khó khăn ngoài xã hội. Và cũng chính tại Quán cơm “Nụ cười” này tình yêu thương lúc nào cũng được lan tỏa trong mỗi người.
Tác giả: Thanh Thảo (TP.HCM)
----------------
Tít bài do Ban biên tập đặt