“Nữ Thương binh Tình nguyện”

15/03/2021 16:00

MS: 63
----------------------

Thương binh liệt sĩ, bốn chữ đó nghe đơn sơ, mộc mạc, giản dị làm sao nhưng có mấy ai hiểu hết được sự hy sinh to lớn của những người thương binh đó. Họ muốn được sống trong một đất nước hòa bình, độc lập, tự do họ phải đánh đổi bằng xương máu và cả tuổi xuân của mình, ngày nay thân thể họ chỉ còn những chiến tích do chiến tranh để lại.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt sinh năm 1944, sinh ra và lớn lên ở xã Phước Hội, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, quê hương “Đồng Khởi”. Ngọn cờ đầu của cách mạng miền Nam, đội quân tóc dài. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tham gia đấu tranh trong phong trào học sinh chống chính quyền, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Năm 1963, vừa tròn mười tám tuổi, bà thoát ly gia đình vào bộ đội bắt đầu tham gia kháng chiến; đơn vị đóng quân ở Cục hậu cần miền Nam phòng Quân y, bộ phận Dược. Bà được phân công pha chế thuốc, nhằm phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội chiến trường. Lúc bấy giờ, Mỹ ngụy cho B52 phản lực dội bom liên tục đến nơi căn cứ đóng quân. Tuy vóc dáng nhỏ bé thế nhưng bà lại rất can đảm, gan lì trước kẻ thù. Dù bom rơi hay lửa đạn nhưng bà vẫn băng mình trong đêm tối. Không kể ngày hay đêm, mặc cho dòng nước phía trước vẫn cuồn cuộn chảy, nhưng bà vẫn bình tĩnh sải tay dìu đồng đội của mình qua nơi hiểm nguy về đến trạm sông Tha La. Gan dạ là thế, kiên cường là thế nhưng gạn dạ và kiên cường cũng bởi xuất phát từ một tình yêu bao la, tình yêu đối với quê hương, đất nước, tình yêu đối với các đồng đội của mình và bà đã rơi lệ khi chứng kiến cảnh đồng đội đã ngã xuống và hy sinh nên bà càng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà lãnh đạo đã tin tưởng giao, bà tải thuốc bằng xe bò xuống chiến trường sông Sài Gòn. 
Năm 1965, bà được đơn vị phong tặng khen thưởng “Chiến sỹ thi đua Trung đoàn”. Ngày 24 tháng 4 năm 1965 bà được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. 
Đất nước đã hòa bình, bà không còn tham gia chiến đấu nữa, nhưng hàng ngày bà cũng phải chiến đấu với sức khỏe bản thân, những vết thương trong cơ thể bà do chiến tranh gây ra, nó đau nhức hơn mỗi khi trở trời. Bà về hưu nhưng vì tình yêu quê hương đất nước nên chưa phút giây nào bà ngơi nghỉ. Hơn ai hết bà cảm nhận được sự đau đớn và hy sinh của những người đồng đội, đồng chí, bà vẫn tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động xã hội nhân đạo. Bà Nguyễn Thị Nguyệt hiện ngụ tại 119 Trần Hữu Trang, phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Nguyên là Đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam, thương binh ¾, hơn 50 năm tuổi đảng đã kiêm các chức vụ như: 20 năm Bí thư chi bộ 4, 10 năm Trưởng khu phố 2, 20 năm là Trưởng Ban công tác mặt trận, 3 năm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, 38 năm Tổ trưởng tổ dân phố 24 và gần 20 năm là hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Với nhiều nhiệm vụ được giao, bà luôn xác nhận tinh thần và trách nhiệm, tính gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương, những nơi nào khó khăn cần giúp đỡ bà luôn có mặt, không chỉ là trách nhiệm mà là do tấm lòng tình nguyện luôn sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Trong thời gian phụ trách bà đã giúp đỡ cho 45 người và 35 hộ dân vay vốn với tổng số tiền là 962.000.000 đồng. Đến nay khu phố 2 đã xóa hết hộ nghèo theo tiêu chí do thành phố quy định.

 


 Bà Nguyễn Thị Nguyệt – nữ thương binh luôn hết lòng với các hoạt động nhân đạo- xã hội.

Là cán bộ Mặt trận khu phố, bà đã phối hợp vận động Mạnh thường quân sửa chữa 25 căn hộ gia đình thuộc diện chính sách, xây mới 01 căn nhà tình nghĩa, 04 căn nhà tình thương cho người Hoa. Với vai trò Trưởng khu phố, bà đã vận động hiến đất mở rộng hẻm 87 Trần Hữu Trang ra đường Mai Văn Ngọc, hẻm 176 Lê văn Sỹ với tổng số tiền vận động trên 500.000.000 đồng; vận động tặng 58 suất học bổng cho các cháu nghèo hiếu học, tặng 63 thẻ BHYT, 10 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ, vận động quỹ phòng chống thiên tai, quỹ biển đảo, quỹ xã hội… Tổng số tiền vận động cho các hoạt động, phong trào nhiều năm qua bà vận động gần 900.000.000 đồng. Với vai trò Tình nguyện viên Chữ thập đỏ, mỗi tháng bà ủng hộ 1.000.000 đồng trích từ lương hưu nhằm hỗ trợ một phần cho các hoạt động, phong trào Hội… Hàng năm, vào mỗi dịp tết Nguyên đán, bà vận động gạo, quà để tặng các gia đình thương binh liệt sĩ và bà con nghèo ăn tết nhằm động viên tinh thần và giúp họ có một mùa xuân ấm áp, yêu thương với số tiền gần 20.000.000 đồng. Mặc dù những đóng góp của bà không nhiều nhưng đó là tất cả tấm lòng của bà đối với quê hương, với các đồng đội và bà con tại địa phương,  là sự quan tâm, chia sẻ, kích lệ tinh thần nhằm giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, bà còn vận động các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ Hội để kịp thời chăm lo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vận động nhân dân tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Có thể nói bà là một đảng viên gương mẫu với đất nước, được sự tín nhiệm cao của tập thể đảng viên và nhân dân. Bà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính cụ Hồ, với gia đình bà luôn là người phụ nữ tháo vát, chu toàn, vun vén cho gia đình. Bà nuôi dạy các con ăn học thành tài để tiếp tục đóng góp cho xã hội. Dù tuổi đã gần tám mươi thế nhưng tấm lòng tình nguyện của bà luôn đầy nhiệt huyết, mãnh liệt, luôn đi đầu trong các hoạt động, phong trào tại địa phương. Bà là tấm gương soi sáng để chúng tôi học tập, noi theo. Với những những cống hiến nhiều năm qua, bà đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen từ Trung ương, Thành phố, Quận và Phường. Bà được vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.                                                 
Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Liên (TP.HCM)