Nhân ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An đã đến thăm và động viên Cơ sở dạy nghề thêu tay truyền thống của nghệ nhân Hoàng Thị Khương ở xóm 1, đội 5, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Nhân ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An đã đến thăm và động viên Cơ sở dạy nghề thêu tay truyền thống của nghệ nhân Hoàng Thị Khương ở xóm 1, đội 5, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An tặng hoa chúc mừng Cơ sở dạy nghề thêu tay nhân ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12
Đây là một trong những Cơ sở được hưởng lợi từ Dự án “Hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội và việc làm cho người khuyết tật” tại 4 tỉnh đồng bằng sông Hồng, Việt Nam do Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha tài trợ thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Mặc dù, Dự án đã kết thúc từ năm 2015 nhưng cho đến nay hiệu quả của Dự án vẫn được duy trì và phát huy, góp phần giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương, cải thiện hòa nhập kinh tế xã hội và lao động của người khuyết tật, giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua hoàn cảnh, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Tiếp đón chúng tôi bằng gương mặt niềm nở, phúc hậu với những bước chân khập khiễng nhưng hết sức nhanh nhẹn, hoạt bát, nghệ nhân Hoàng Thị Khương vui mừng cho biết: Bức tranh “Chùa Thầy” vừa đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo sản phẩm bền vững làng nghề Việt Nam” hồi cuối tháng 11/2020 vừa qua và không quên cảm ơn Hội Chữ thập đỏ đã hỗ trợ cơ sở thêu tay của cô có thêm kinh phí để duy trì hoạt động và truyền nghề miễn phí cho những người có cùng hoàn cảnh như cô.
Nhờ nguồn kinh phí từ Dự án do Hội Chữ thập đỏ tài trợ mà nhiều người khuyết tật đã được học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Cô Khương nhấn mạnh: “Điều đặc biệt mà những người khuyết tật như chúng tôi nhận được từ Dự án không chỉ là có một công việc ổn định, tự kiếm được tiền nuôi sống bản thân, mà còn là sự tự tin cũng như niềm vui trong cuộc sống vì đã không còn phải lo mình sẽ là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội nữa. Trái lại, chúng tôi còn tạo ra những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao được nhiều người đón nhận góp phần gìn giữ và phát huy nghề thêu tay truyền thống của làng nghề Quất Động”.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An thăm quan, động viên mô hình Cơ sở dạy nghề thêu tay
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào phòng trưng bày tranh của Cơ sở dạy nghề thêu tay là hai hàng dài những bằng khen, giấy khen người tốt - việc tốt và giấy chứng nhận đoạt giải của các tác phẩm được treo ngay ngắn ngay trên những bức tranh thêu hết sức tinh xảo và đẹp mắt. Nhìn những tác phẩm của cô, không ai có thể ngờ rằng đó là sản phẩm thêu tay của một người khuyết tật. Bằng nghị lực sống kiên cường, niềm say mê sáng tạo không ngừng, cô Khương đã cho ra đời những bức tranh thêu tay đoạt giải cao, vươn tầm thế giới và có giá trị kinh tế. Tiêu biểu như tác phẩm tranh thêu “Hồn quê”, bức tranh “Sơn thủy hữu tình”, bức “Mã đáo thành công”… Những tác phẩm của cô đã có cơ hội vươn ra thế giới qua hội thảo quốc tế về nghệ thuật hòa nhập có tên Sambhav 2019 dành cho người khuyết tật tổ chức tại Thủ đô Niu Đê-li (Ấn Độ)...
Tính đến nay, Cơ sở dạy nghề thêu tay của cô đã đào tạo cho gần 500 người trong đó chủ yếu là người khuyết tật ở các nơi như: Hà Nội, Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… và những người yêu thích tranh thêu trong huyện. Không phân biệt tuổi tác, bất kì ai muốn học nghề hoặc có nhu cầu nâng cao tay nghề đều được cô chỉ dạy. Học trò được cô uốn nắn tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ, cách phối màu... Hiện nay cơ sở của cô đang tạo việc làm cho hơn 25 thợ thủ công đều là người khuyết tật với thu nhập ổn định từ 1 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/tháng tùy theo trình độ của mỗi người.
Chia tay nghệ nhân Khương trong niềm vui mừng trước những hiệu quả và thành công mà Dự án của Hội Chữ thập đỏ mang lại, Phó Chủ tịch Trần Thị Hồng An thay mặt Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gửi tặng Cơ sở dạy nghề thêu tay lẵng hoa chúc mừng nhân ngày Quốc tế người khuyết tật và chúc Cơ sở dạy nghề thêu tay truyền thống ngày một phát triển, góp phần gìn giữ và phát huy nghề thêu tay truyền thống, và đặc biệt là giúp cho những người khuyết tật có được công việc ổn định, cải thiện cuộc sống bền vững, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Mai Anh