Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam

31/10/2023 - 05:10

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2/9, thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức điều dưỡng và tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm điều dưỡng và Cấp cứu Chữ thập đỏ Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Ngày 29/8, tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, Khóa Điều dưỡng cho nạn nhân chất độc da cam đã được khai mạc với sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đại diện Ban dân vận, Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thanh Hóa và 127 thương binh, cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế. Khóa điều dưỡng diễn ra trong 5 ngày (từ 29/8-02/9) với nhiều hoạt động: nghỉ dưỡng và thăm khám sức khỏe, phục hồi chức năng, tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ kết hợp với tham qua các khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thanh Hóa.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hộitặng quà nạn nhân da cam tham gia khóa điều dưỡng

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh: Chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam là trách nhiệm và tình cảm của các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Trong thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các nạn nhân da cam như xây tặng nhà Chữ thập đỏ, hỗ trợ sinh kế, dạy nghề và tạo việc làm, phẫu thuật chỉnh hình cho các nạn nhân da cam…Tuy điều kiện Trung tâm còn nhiều hạn chế, chế độ hỗ trợ đại biểu chưa nhiều nhưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn khóa điều dưỡng sẽ là món quà tinh thần động viên các nạn nhân da cam có thêm động lực để sống vui, sống khỏe.

Thay mặt Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Xuân Thu đã tặng 127 suất quà cho đại biểu là nạn nhân da cam tham gia khóa điều dưỡng, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng do Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người hỗ trợ.

Những nỗi đau không bao giờ nguôi

Trong khuôn khổ Chương trình điều dưỡng, các đại biểu đã cùng ôn lại những kỷ niệm thời chiến đấu trên chiến trường, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống khi chất độc da cam đang từng ngày tàn phá cơ thể các bác, các chú. Bác Phạm Văn Ngợi, xã Hà Vân, Huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa tâm sự: Năm 1966, bác là bộ đội Tiểu đoàn 2, E101 Sư đoàn 35C, Quân khu 4 đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị từ năm 1966-1968. Trong một chiều cuối đông năm 1966, Bác đang cùng đồng đội vận chuyển đạn vào chiến trường QuảngTrị thì gặp máy bay Mỹ dải chất độc Dioxin dọc đường 9. Bác cùng đồng đội đã dùng khăn ẩm để bịt mũi nhưng vẫn ngửi được mùi cay nồng của chất Dioxin. Đồng đội của Bác ai cũng bị choáng váng, cả khu rừng bảo bọc lán trại của Tiểu đoàn lá rụng hết. Năm 1968 bác bị thương chuyển ra tuyến sau và phục viên về quê hương năm 1973. Tuy đời sống kinh tế của Bác không quá khó khăn nhưng hàng ngày đều phải gánh chịu những cơn đau giày vò cơ thể,thường xuyên đau đầu, mất ngủ và phải dùng thuốc an thần. Nhiều người trong thôn vẫn hay nói bác thần kinh vì tâm trạng bác lúc vui, lúc buồn. Dù bác vẫn ý thức được tâm lý của mình không ổn định nhưng không thể điều chỉnh được cảm xúc bất thường, cáu giận vô cớ. Bác cười buồn, Bác còn may mắn hơn nhiều đồng đội, có người không sinh được con hoặc sinh con thì bị dị dạng bẩm sinh, ung thư. Cuộc sống luôn trong sự dày vò cả về thể xác và tinh thần nên có thể nói, nạn nhân chất độc da cam là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Bác Phạm Văn Ngợi, nạn nhân chất độc da cam với tiết mục đọc thơ

Trong 10 năm, từ 1961 đến 1971, của chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải hơn 18,2 triệu gallon chất độc da cam với thành phần chứa Dioxin xuống hơn 10% diện tích đất ở miền Nam Việt Nam, làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu hécta rừng và đất nông nghiệp. Nhiều người cho rằng ngoài tác hại cho môi trường, hóa chất này còn gây hậu quả trầm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người Việt, thậm chí tới các thế hệ sinh ra sau chiến tranh.

Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sống tập trung tại các tỉnh dọc đường Trường Sơn và biên giới với Campuchi. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con cháu của họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam.

Lời tri ân của cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ

Ông Nguyễn Vũ Hùng, giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cấp cứu Chữ thập đỏ cho biết, Trung tâm được đưa vào sử dụng năm 2013 từ nguồn đóng góp của cán cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ và sự hỗ trợ của nhà nước.

Do điều kiện kinh phí khó khăn, đến nay Trung tâm mới tổ chức điều dưỡng khóa thứ 3 cho các nạn nhân da cam. Các chương trình điều dưỡng cũng đang được điều chỉnh và hoàn thiện. Với số lượng cán bộ nhân viên không quá 20 người, việc chăm sóc các đại biểu đã cao tuổi đôi khi gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ Trung tâm luôn giữ thái độ niềm nở, tận tình, cố gắng hết mình để tạo một không khí thoải mái, ấm cúng và thân tình cho các đại biểu đến điều dưỡng. Mỗi cán bộ Trung tâm đều ý thức đây là trách nhiệm đền đáp và tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ cha anh đã hy sinh cho tổ quốc.Những chế độ của các đại biểu đều được thông báo và thực hiện công khai. Thực đơn các bữa ăn được xây dựng đảm bảo dinh dưỡng, tình trạng sức khỏe của đại biểu.

Bác Đinh Quang Lăng, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa chia sẻ: Bác đã tham gia điều dưỡng ở nhiều nơi nhưng về với Trung tâm Điều dưỡng và Cấp cứu Chữ thập đỏ lại có một cảm giác đặc biệt. Tuy điều kiện cơ sở vật chất chưathật tốt, chương trình điều dưỡng chưa thật phong phú nhưng bác có cảm giác như được ở nhà nên ăn, ngủ rất tốt. Từ giám đốc đến nhân viên Trung tâm đều niềm nở thăm hỏi và chu đáo cho các bác cảm như đang sống bên cạnh người thân. Hàng ngày được cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm trên chiến trường, cùng ngâm thơ, cùng hát vang những bài ca của một thời hào hùng khiến các bác quên đi nỗi đau bệnh tật. Thời gian điều dưỡng ngắn nhưng với bác đây sẽ là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời.

Đàm Nhi 

Tin liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *