Ngày 28/11 tại Hà Nội, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Giảm thiểu tác động của các đợt nắng nóng với các nhóm dễ bị tổn thương tại Hà Nội thông qua nâng cao năng lực cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo” nhằm triển khai hành động sớm dựa vào ngưỡng dự báo.
Tham dự hội nghị có ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, ông Jerome Faucet, Trưởng đại diện Văn phòng Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt Nam; ông Nguyễn Sỹ Trường - Hội CTĐ TP.Hà Nội; Hội CTĐ 12 quận thuộc thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế liên quan.
Tại Hội nghị, ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam, đã nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa tác động tới thiên tai những năm gần đây. Khẳng định lĩnh vực cảnh báo, dự báo là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc khắc phục và giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.
Bên cạnh chia sẻ những khó khăn, thách thức mà dự án phải đối mặt như tính chính xác của các dự báo thiên tai tại Việt Nam, ngưỡng chuẩn dự báo nguy hiểm về nắng nóng để hành động trước khi có thiệt hại, Phó Chủ tịch T.Ư Hội mong muốn đại diện các cơ quan tham gia đóng góp ý kiến để dự án có thể triển khai tốt các hoạt động tạo, tiền đề mở rộng mô hình FbF tại các địa phương và các loại hình thiên tai khác.
Tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, hoạt động nhân đạo trong thiên tai vẫn thường tập trung vào các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, khắc phục, tái thiết và sinh kế sau sau thiên tai. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm trở lại đây, Hội CTĐ Việt Nam đã chú trọng vào hoạt động ứng phó thảm họa trước thiên tai như: trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê điều, tập huấn các lớp phòng ngừa và ứng phó trước thiên tai. Mặc dù vậy, hiệu quả việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai vẫn chưa tối ưu. “Việc sử dụng phương pháp FbF tại Việt Nam có thể nói là một bước tiến mới trong hoạt động nhân đạo”, ông Trần Quốc Hùng khẳng định.
Dự án “Giảm thiểu tác động của các đợt nắng nóng với các nhóm dễ bị tổn thương tại Hà Nội” thông qua phương pháp FbF, được triển khai từ tháng 6/2018 đến tháng 10/2020, nhằm mục tiêu xây dựng hành động sớm giúp giảm tác động tiêu cực của nắng nóng lên sức khoẻ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (người già, người khuyết tật, người bị bệnh mãn tính và người bán hàng rong).
Với nguồn kinh phí 325.000 Euro, dự án được hỗ trợ bởi Hội Chữ thập đỏ Đức, với sự phối hợp của Viện Khoa học khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN), việc xây dựng ngưỡng cảnh báo giúp nâng cao năng lực của Hội CTĐ Việt Nam trong việc áp dụng mô hình ứng phó với các loại hình thiên tai khác như bão, lũ lụt,…
Dự án sẽ được thực hiện theo quy trình 7 bước cụ thể: Đánh giá rủi ro; Xác định các thông tin dự báo khí tượng thủy văn; Xác định các mức độ ảnh hưởng tới cộng đồng địa phương; Lựa chọn hành động sớm; Xây dựng quy trình hành động chuẩn; Thẩm định quy trình hành động chuẩn; Theo dõi thông tin dự báo.
Năm 2013, Phong trào Chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã triển khai phương pháp hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo (FbF) đây là một cơ chế điều động các nguồn lực để ứng phó sớm với thiên tai. Nó giúp các hoạt động cứu trợ nhân đạo hành động trước khi thiên tai xảy ra làm giảm ảnh hưởng của thiên tai đến người dân một cách hiệu quả hơn. Có thể nói, phương pháp FbF mở ra một kỷ nguyên mới mang lại hiệu quả tối ưu cho các hoạt động nhân đạo.
Chia sẻ về báo cáo kết quả nghiên cứu nắng nóng tại TP.Hà Nội, ông Nguyễn Quang Trung - Đại diện Viện khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Tại Hà Nội, những năm gần đây nền nhiệt độ tăng lên rõ rệt, tăng cả về nhiệt độ cũng như thời gian của từng đợt nắng nóng. Từ đó đưa ra những cảnh báo trước 3 tháng, 1 tháng và 3 ngày, cung cấp những thông tin dự báo tốt nhất.
Ông Jerome Faucet, Trưởng đại diện Văn phòng Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt Nam cho biết: “Đây là dự án đầu tiên trong 22 dự án FbF được triển khai tại khu vực đô thị, cụ thể là ứng phó với nắng nóng. Các thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn là cơ sở để kích hoạt các hành động ứng phó sớm nhằm tăng cường hiệu quả của các hoạt động ứng phó với thiên tai”.
Việc thực hiện triển khai dự án này tại Việt Nam, không chỉ giúp đỡ cho các đối tượng dễ bị tổn thương trước nắng nóng còn giúp Hội CTĐ Việt Nam tiếp cận được với một phương pháp hoạt động nhân đạo mới mẻ, tính hiệu quả cao khi ứng phó với các loại hình thiên tai, từ đó nâng cao vai trò vị thế của Hội CTĐ Việt Nam trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo trong nước và quốc tế.
Nho Quế